Phát biểu của Chủ tịch nước tại diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật
(Dân trí) - “Tôi thực sự mong muốn không chỉ có 70% mà phải là 100% các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới của Nhật Bản đến Việt Nam…”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ.
Báo Dân trí xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản “Tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trong thời kỳ mới” ngày 17/3:
Thưa ông Tô-si-mít-chư Mô-tê-ghi, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông A-ki-ô Mi-mư-ra Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Thưa Quý vị và các bạn,
Năm Hữu nghị Việt - Nhật 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vừa khép lại với thành công rực rỡ của nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực. Có thể khẳng định hơn 40 năm qua, đặc biệt là sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009, quan hệ Việt - Nhật đã phát triển rất mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, lao động, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, giao lưu nhân dân, v.v… Tinh thần đối tác chiến lược và tin cậy lẫn nhau đang thổi luồng sinh khí mới lan tỏa sâu rộng trong hợp tác hữu nghị không chỉ giữa các cấp, các ngành ở trung ương mà cả giữa các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước; đồng thời đi vào tình cảm và hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân, trí thức và thanh niên Việt Nam và Nhật Bản.
Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đã xác lập vững chắc vị thế là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài số 1 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên 5 lần chỉ trong vòng 10 năm, từ chưa đầy 5 tỷ USD năm 2002 lên gần 25 tỷ USD năm 2012. Sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam như quần áo, giầy dép, các món ăn hải sản được chế biến từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao của Việt Nam như tôm, mực… cùng các món ăn truyền thống Việt Nam như gỏi nem, phở… đang ngày càng được người dân Nhật Bản đón nhận và ưa chuộng. Phần lớn các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã có mặt và đang kinh doanh hiệu quả, ổn định và lâu dài tại thị trường Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của chúng tôi. “Chế tạo tại Nhật Bản” đối với người tiêu dùng Việt Nam được coi như một sự bảo đảm về chất lượng. Tôi cũng rất vui mừng được biết, trong một cuộc khảo sát gần đây của JETRO, khoảng 70% số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có ý định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh vì nhận thấy triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ sự trân trọng đối với sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với quan hệ giữa hai nước chúng ta trong thời gian vừa qua cũng như cho sự phát triển của Việt Nam.
Thưa Quý vị và các bạn,
Việt Nam đang nỗ lực và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó với các thách thức do những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là sự suy giảm tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế hàng đầu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển to lớn trong thời kỳ mới.
Trước hết, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới trong gần 30 năm qua đã tạo nên những nền tảng rất cơ bản để Việt Nam tiếp tục phát triển và tăng trưởng bền vững. Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đạt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Những năm gần đây, Việt Nam kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố nền tảng lâu dài cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2013, lạm phát được kiềm chế, còn 6,6%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; tăng trưởng kinh tế đạt 5,42% và dự kiến năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ tăng trưởng cao hơn.
Thứ hai, chúng tôi đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những nỗ lực này sẽ mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế và là động lực cho phát triển của Việt Nam.
Thứ ba, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, đang và sẽ tạo nên sự năng động hoàn toàn mới của Việt Nam. Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng của tiểu vùng Mê Công, mà còn trở thành một hạt nhân tích cực trong trung tâm phát triển kinh tế đầy tiềm năng này, là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Cũng như Nhật Bản, Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam liên kết khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thưa Quý vị và các bạn,
Cùng chia sẻ cơ hội và thử thách trong nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng vẫn ẩn chứa các yếu tố gây bất ổn, Việt Nam và Nhật Bản cần phát huy hơn nữa tính hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp và hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chiến lược của hai nước. Chúng tôi hết sức vui mừng nhận thấy Chính sách kinh tế của Thủ tướng Sin-dô A-bê đang thổi sức sống mới cho nền kinh tế Nhật Bản và trong năm 2013, lần đầu tiên sau nhiều năm, kinh tế Nhât Bản tăng trưởng 1,7%. Chúng tôi tin tưởng rằng là nền kinh tế lớn của thế giới và khu vực, sự phát triển của Nhật Bản sẽ là động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác Việt-Nhật cũng như sự thịnh vượng của khu vực.
Phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật đòi hỏi không chỉ nỗ lực của Chính phủ hai nước mà cả sự ủng hộ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Nhìn lại hơn 400 năm trước, phố cổ Hội An ở Việt Nam đã từng là thương cảng nhộn nhịp của các thương gia Nhật Bản, và nay là một di sản văn hóa thế giới hấp dẫn du khách quốc tế. Những thương nhân Nhật Bản khi đó là những “sứ giả” kết nối Việt Nam với Nhật Bản. Và hôm nay, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đang nắm một sứ mệnh quan trọng, đó là kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản vì lợi ích chung của hai nước và của chính các bạn.
Với quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước, với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân hai nước, triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ mới vô cùng tươi sáng và đầy hứa hẹn. Trong bối cảnh mới, đối mặt với một thế giới đầy cơ hội nhưng cùng nhiều thách thức, chúng ta cần có tầm nhìn mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, thậm chí biến thách thức thành cơ hội để cùng nhau phát triển và tại đây, vai trò của các bạn, các nhà doanh nghiệp hai nước với tinh thần tiên phong của mình là vô cùng quan trọng.
Tại Diễn đàn này, tôi kêu gọi các bạn hãy chọn Việt Nam luôn là điểm đến tin cậy, mở rộng hơn nữa kinh doanh và đầu tư dài hạn tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu, chế tạo ô tô và phụ tùng ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, hợp tác công - tư (PPP) nhằm góp phần đưa Việt Nam bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi thực sự mong muốn không chỉ có 70% mà phải là 100% các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới của Nhật Bản đến Việt Nam. Như vậy, đầu tư của Nhật vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở con số 35 tỷ USD và kim ngạch thương mại hai nước không chỉ là 25 tỷ USD/năm mà sớm đạt mức 50 tỷ USD và hơn thế nữa trước năm 2020.
Tôi xin khẳng định, cùng quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khuôn khổ pháp lý, chính sách …để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thuận lợi, minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm làm ăn lâu dài, hiệu quả và bền vững ở Việt Nam. Chúng tôi luôn coi đây là một quá trình liên tục, thường xuyên để nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam trong chiến lược đầu tư khu vực của mình, nhất là tranh thủ các cơ hội kinh doanh từ các hành lang kinh tế tiểu vùng đang từng bước hoàn thiện như Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, v.v…
Tôi xin khẳng định với các bạn rằng luôn coi các bạn là một thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam, thành công của các bạn là thành công của Việt Nam. Các bạn hãy vững tin và đồng hành cùng Việt Nam, vì lợi ích chung của chúng ta và quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và vì một châu Á phát triển, thịnh vượng và ngày càng gắn kết.
Xin chúc các bạn thành công!
Xin cảm ơn./.
Nguồn: Bộ Ngoại giao