“Bố trí cán bộ cấp cao, sợ nhất người cho rằng công lao của mình lớn”

(Dân trí) - “Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn” – nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nói.

Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng bước vào chương trình nghị sự chính thức hôm nay, 7/5. Một trong những nội dung trọng tâm được chú ý tại hội nghị lần này là về việc xem xét đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, chuẩn bị để hội nghị Trung ương 8 thành lập các tiểu ban lo cho Đại hội XIII. Vấn đề xây dựng bộ máy, công tác cán bộ trong Đảng cũng “nóng” trong mắt các cán bộ hưu trí…

Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt: Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây (ảnh: Trần Thanh)
Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt: "Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây" (ảnh: Trần Thanh)

Nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đặt vấn đề, nghị quyết TƯ 6 khoá VIII đã nêu vấn đề chỉnh đốn Đảng. Giai đoạn đó, nhiều cán bộ cấp cao như Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt nam… cũng đã bị xử lý kỷ luật (trong vụ án Năm Cam). Vụ Lý Tống rải truyền đơn, bản thân ông Duyệt, với tư cách Thường vụ Bộ Chính trị cũng ký quyết định kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, như Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh… dù thông tin không công bố rộng rãi.

Ngoài cán bộ vi phạm, theo ông Duyệt, Trung ương khi đó cũng phải xử lý nhiều trường hợp cán bộ tư tưởng không chắc chắn, “chập chờn”. Ông Duyệt dẫn chứng vụ ông Trần Xuân Bách (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng), tướng Trần Độ (cựu Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XII).

Những năm 2000-2005, tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một trong những vấn đề trầm trọng. Ông Duyệt cho biết, ông từng nói trước hội nghị Trung ương về việc cần thực hiện nghị quyết TƯ 6 lần 2, nói “như một lời thề với dân chứ không phải chỉ như phát biểu trước một cuộc họp”. Khi đó, Trung ương đã xác định, nếu không chống tham nhũng quyết tâm cao thì sự suy thoái trong Đảng dễ xảy ra”.

“4 nguy cơ với Đảng đã được phân tích ngay từ những năm đầu đổi mới mà vẫn vấp. Vậy nên đến lúc đó mới bung ra một loạt vụ án như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh… với rất nhiều cán bộ bị xử lý. Tôi vẫn còn ghi sổ đây, đại đa số những người “dính án”, tới 2/3, là Đảng viên cả. Tôi đã nói, những người có quyền đều là Đảng viên cả nên mới xảy ra tình trạng thế” – ông Duyệt nhớ lại.

Nguyên Thường vụ Bộ Chính trị chia sẻ: “Vậy nên có dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp, dù có nhiều vấn đề nhưng tôi đều chỉ nhấn vào một việc là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lúc nào tôi nghĩ đến chuyện đó vì con người là yếu tố quyết định chứ còn gì nữa. Đảng có mạnh hay không là do tổ chức mà tổ chức chính ở chỗ có chọn đúng cán bộ không, có chọn được người tài không”.

Nói cụ thể về việc chọn cán bộ hiện nay, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét: “Quy chế hiện tại rất chặt chẽ, có vẻ là hướng tốt, nhưng tôi vẫn băn khoăn”.

Ông Duyệt phân tích, cụ Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm Bộ trưởng Giáo dục, là người do Bác Hồ mời từ Pháp về, không phải Đảng viên nhưng không ai có thể nói cụ Huyên không vĩ đại. Rất nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có cả lớp cán bộ như ông Duyệt, đã trưởng thành từ nền giáo dục mà vị Bộ trưởng ngoài Đảng ấy xây dựng.

Ông Duyệt điểm lại tên tuổi những nhà trí thức lẫy lừng khác như Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm… đều là do Bác Hồ đưa ở Pháp về làm, đặt vào những vị trí xứng đáng, tin tưởng giao trọng trách trong thời gian rất dài trước khi họ vào Đảng.

“Vậy nên không cẩn thận, cách quy hoạch kiểu công thức, cái gì cũng phải là Đảng viên thì sẽ dễ dẫn đến hiện tượng vào Đảng không phải do động cơ đúng mà chỉ vì biết là kiểu gì cũng phải có tiêu chuẩn Đảng viên mới được cất nhắc, nên phải ngoi bằng được vào Đảng. Và vào Đảng rồi thì cũng phải ngoi bằng được vào vị trí quy hoạch vì cứ vào quy hoạch, cứ có trong “lớp nguồn” là thế nào cũng được. Vậy thì còn tư tưởng gì vững vàng nữa. Trần thân chui từ lòng đất như chúng tôi bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu khó khăn thử thách đi lên, nên tôi hiểu, đào tạo người thợ với người lãnh đạo khác nhau ghê lắm” – ông Duyệt nói.

Ông cũng chia sẻ: “Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi có tâm lý rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn”.

Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam khái quát, không chỉ riêng ông, lớp cán bộ lão thành, nghỉ hưu hiện cũng đều trăn trở về chuyện xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Ông nhắc lại, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Trung ương 14 khoá XI để chuẩn bị cho Đại hội Đảng khoá XII, ông vẫn khuyến cáo, vấn đề trăn trở nhất, khó khăn nhất chính là chọn con người, bổ nhiệm con người.

“Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây, phải lo làm sao tiếp tục chỉnh đốn Đảng hơn hẳn khoá XI. Hiện Tổng Bí thư đã đang làm nhiều việc rất tốt rồi nhưng vẫn phải tiếp tục, phải không ngừng lưu tâm, chú ý. Việc đó rất khó, đi giải quyết vụ Thái Bình trước đây tôi biết, việc tổ chức bộ máy, sử dụng con người là thách thức nhất. Nhưng phải có “bài”, được dân ủng hộ, được các cấp uỷ ủng hộ, được lực lượng lão thành ủng hộ thì việc gì cũng sẽ có cách giải quyết. Tôi chưa thấy có gì khó và thất bại nếu như có cách làm đúng” – ông Duyệt lạc quan.

P.Thảo