“Bật mí” lý do Nhật hoàng muốn thăm cố đô Huế

(Dân trí) - Người Phát ngôn của Nhật hoàng cho biết, Nhật hoàng chọn Huế khi thăm Việt Nam vì ông muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cố đô, muốn được nghe Nhã nhạc. Từ thế kỷ thứ 8, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng của Nhã nhạc cung đình Huế.

Tại buổi họp báo tối ngày 28/2, ông Hatsuhisa Takashima, Thư ký Báo chí - Người Phát ngôn của Nhật Hoàng Akihito cho biết, trên đường từ sân bay Nội Bài về khách sạn ở trung tâm Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của nhiều người dân Việt - Nhật với những lá cờ của hai nước trên tay. Đây là một ấn tượng vô cùng tốt đẹp của Nhật Hoàng trong chuyến cấp nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam.


Ông Hatsuhisa Takashima (giữa), Thư ký Báo chí - Người Phát ngôn của Nhật Hoàng Akihito, tại buổi họp báo.

Ông Hatsuhisa Takashima (giữa), Thư ký Báo chí - Người Phát ngôn của Nhật Hoàng Akihito, tại buổi họp báo.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28/2-5/3, ngoài các hoạt động tại Hà Nội, Nhật hoàng và Hoàng hậu tới Huế, thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường; thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Trước câu hỏi của báo giới, vì sao Nhật Hoàng lại chọn thăm Huế, ông Hatsuhisa Takashima cho hay, với bất kỳ du khách nước ngoài nào đến Nhật Bản, họ thường không thể bỏ qua 2 địa danh là thủ đô Tokyo và cố đô Kyoto. Tokyo là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và là thành phố rất hiện đại của Nhật Bản, còn cố đô Kyoto nổi tiếng với những địa danh lịch sử, văn hóa lưu giữ hàng trăm hàng ngàn cổ vật từ thời xa xưa của đất nước mặt trời mọc.

"Đến thăm 2 địa danh này, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về quá khứ, hiện tại của Nhật Bản, quan sát kỹ hơn về cuộc sống của người dân Nhật Bản, về quá trình hình thành và phát triển của xã hội Nhật Bản. Vì thế, đây cũng chính là lý do vì sao trong chuyến công du Việt Nam lần này Nhật Hoàng lại thăm thủ đô Hà Nội và cố đô Huế", Người Phát ngôn Hatsuhisa Takashima nói.

Theo ông Takashima, Huế cũng là một điểm đến hết sức phổ biến của du khách Nhật khi đến thăm Việt Nam và một điều đặc biệt nữa là nơi đây là cái nôi của Nhã nhạc cung đình Huế. Lần này, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản muốn thưởng thức trực tiếp các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế để có sự so sánh về âm nhạc cung đình của hai quốc gia xem đâu là điểm chung, đâu điểm khác biệt của giá trị văn hóa này.

Chuyên cơ chở Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hạ cánh xuống Sân bay Nội bài chiều qua, 28/2 (Ảnh: Quý Đoàn)
Chuyên cơ chở Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hạ cánh xuống Sân bay Nội bài chiều qua, 28/2 (Ảnh: Quý Đoàn)

Đề cập đến mối quan hệ giữa Nhã nhạc cung đình của hai quốc gia, ông Takashima cho biết, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng Nhã nhạc cung đình Huế Việt Nam từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết của nước Lâm Ấp (Miền Trung Việt Nam hiện nay) sang kinh đô Nara Nhật Bản giao lưu Phật Giáo, tu tập tại chùa Đại An. Các điệu nhạc, điệu múa và nhạc cụ do nhà sư Phật Triết giới thiệu được lưu truyền trong giới Phật giáo và được Hoàng cung Nhật Bản hấp thu vào trong Nhã nhạc cung đình.

Nhã nhạc của Nhật Bản bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, là sự kết hợp của các làn điệu và bài hát Nhật Bản cũng như từ các nước khác. Cho đến nay, Nhã nhạc được duy trì và phát triển dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Nhật. Nhã nhạc thường được biểu diễn tại Hoàng cung nhân một số sự kiện quan trọng của Hoàng gia Nhật như Quốc yến, tiệc ngoài trời tại Vườn thượng uyển vào mùa xuân và mùa thu. Để giới thiệu Nhã nhạc đến đông đảo công chúng, Hoàng gia Nhật có tổ chức một số buổi biểu diễn (4 lần/năm) để giới thiệu cho công chúng Nhật và ngoại giao đoàn trong năm tại Hoàng cung cũng như trên khắp nước Nhật. Bộ Ngoại giao Nhật đã đưa đoàn Nhã nhạc đi biểu diễn tại một số nước.

Thăm lại tiêu bản cá bống trắng tại Bảo tàng của Đại học Quốc gia

Một trong những hoạt động tại Hà Nội của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko là thăm Bảo tàng Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đang trưng bày tiêu bản của một loại cá bống trắng mà ông đã từng gửi tặng cách đây hơn 5 thập kỷ.

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi cho báo chí, Nhật hoàng Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ (khi làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970) và đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1974, khi ông còn là Hoàng Thái tử. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại bảo tàng và Nhà vua sẽ thăm bảo tàng trong thời gian ở Hà Nội.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2012, Hoàng tử Akishino-con trai của Nhật hoàng Akihito- cũng đã tới thăm Đại học Khoa học Tự nhiên và tặng Bảo tàng Sinh học 1 tiêu bản gà quý hiếm tại Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu khoa học.

Nhiều năm qua, Nhật hoàng Akihito đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống, một loại cá nhỏ sống ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, ông đã cho xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của Hội từ năm 1963 đến 1989. Ông còn là Chủ tịch danh dự Hội thảo quốc tế lần 2 về các loài cá ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương năm 1985, và giới thiệu tài liệu mang tên “Một số đặc điểm hình thái học quan trọng của các loài cá Gobiid’, và sau này trở thành tài liệu của Hội thảo.

Nam Hằng