Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang

(Dân trí) - Sáng 15/4, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước trao tặng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Đến tham dự buổi Lễ có ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ban Tuyên huấn TƯ Cục miền Nam nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Ông Lê Hồng Anh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cho Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam

Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (T.Ư Cục MN) (thay thế Xứ ủy Nam kỳ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban BCH Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 10/10/1961 tại Hội nghị lần thứ nhất, T.Ư Cục MN đã chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo của Trung ương Cục. Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư; đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng làm Phó Bí thư. Ngày 23/11/1961 hội nghị T.Ư Cục đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (Ban THT.Ư Cục MN).

Khi thành lập, Ban TH T.Ư Cục MN chỉ có khoảng 150 người quy tụ chủ yếu cán bộ ở lại chiến trường sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Căn cứ yêu cầu phát triển công tác  tuyên truyền vận động chính trị trong giai đoạn mới, ngày 30/1/1965, Thường vụ T.Ư Cục ra quyết định củng cố, mở rộng Ban THT.Ư Cục với các bộ phận Tuyên (Tuyên truyền huấn học), Văn (Văn hóa, văn nghệ), Giáo (giáo dục), Báo (báo, đài phát thanh, thông tấn xã) và Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam.

Trong kháng chiến, Ban THT.Ư Cục MN đã nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng văn hóa trong và ngoài Đảng; công tác văn hóa giáo dục quần chúng. Đặc biệt, Ban đã tham mưu kịp thời trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam; chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký hiệp định Paris…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Ban đã huy động tất cả lực lượng chuyên môn theo các mũi tiến công của các cánh quân tiến vào Sài Gòn, vừa tác nghiệp vừa tiếp quản mục tiêu được phân công. 548 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, hàng trăm đồng chí đã để lại một phần xương máu, 3 tập thể và 4 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Rất nhiều cán bộ, chuyên viên, nhà giáo nhà báo văn nghệ sỹ được trao tặng Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Tháng 1/2015, Ban THT.Ư Cục MN đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Quốc Anh