“Yêu nước” tức là phải biết… “thương dân”!
(Dân trí) - Đành rằng thuế là nguồn thu ngân sách để phục vụ dân sinh, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đành rằng “đóng thuế là yêu nước” nhưng “khoan thư sức dân” mới là yên dân và thương dân. Mà yêu nước thì tất phải thương dân hay ngược lại, thương dân cũng là yêu nước…
Chuyện mới đây ở xã Thiệu Dương, Thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), người dân muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng một khoản phí gọi là phí đồng cỏ tưởng như chuyện chỉ có một, không hai thì gần đây, tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định), người dân thả vịt ra đồng ăn hạt thóc rơi, thóc vãi cũng phải… đóng phí.
Một chủ trại vịt ở thôn Ân Hậu, xã Ân Phong cho PV Dân trí biết, gia đình ông đang nuôi khoảng 800 con vịt theo phương thức chạy đồng. Mỗi năm, ông phải nộp cho UBND xã 1 triệu đồng tiền phí để đàn vịt có diện tích chăn thả sau mỗi vụ thu hoạch lúa.
Thật ra, mức phí ở đây không nhiều, nếu so với phí giao thông chẳng hạn, thì chẳng đáng là bao.
Tuy nhiên, “mọi sự so sánh đều khập khiễng”, không thể so phí ruộng đồng (ở đây được mang một cái tên rất… văn nho, chữ nghĩa là “công đồng lạc túc”) với cái loại thuế “lục lộ” BOT vốn được coi là “trấn lột dân” như lời của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội "thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí – Báo Người Lao động ngày 8.9.2017 ”.
Nó cũng không thể so với cái thứ thuế nhà 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính mới đây dự kiến.
Song, nó khiến người viết bài này nhớ lại kỉ niệm từ gần ½ thế kỉ trước.
Từ những năm lên 10 tuổi (khoảng năm 1967 - 1969), mỗi khi nghỉ hè, người viết bài này thường được gia đình giao cho chăn nuôi từ 10 đến 20 con vịt (tùy năm) để khi bước vào niên học mới, bán đi lấy tiền mua quần áo, sách vở. Năm ấy, để bán được giá, tôi đem 10 con vịt lên chợ Phủ, cách nhà khoảng 5km.
Vừa ra khỏi địa phận xã, bỗng một đám người từ đâu hùng hổ bước ra. Họ chặn tôi lại và đòi tịch thu toàn bộ số vịt
Tôi hỏi: “Vịt của tôi, sao các ông tịch thu?”. Một lão hất hàm: “Vịt mày có nuôi ở cánh đồng không?”. “Có”. Tôi đáp. “Mày có biết cánh đồng của ai không?”. Lão hỏi. “Của Hợp tác xã”. Tôi đáp. Chỉ chờ có vậy, gã hất hàm rất lạnh: “Vịt của mày nhưng thả ở ruộng hợp tác xã thì là của hợp tác xã. Tịch thu”.
Tôi đứng lặng, một dòng nước mắt ứa ra. Chiều đó tiếc của, tôi đi lang thang và chao ôi, lại một lần nữa đứng lặng khi ở trụ sở hợp tác xã, họ đang hè nhau vặt lông những con vịt tôi một nắng, hai sương vật vã trên cánh đồng suốt 3 tháng hè…
Trở lại với việc thu thuế phí gần đây, có lẽ chưa bao giờ người dân phải chịu nhiều khoản thu như thế. Thôi thì đủ mọi hình thức với đủ các “mỹ từ” như thu thuế hay thu phí, thu giá… và kết quả cuối cùng đều là người dân móc túi ra.
Đành rằng thuế là nguồn thu ngân sách để phục vụ dân sinh, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đành rằng “đóng thuế là yêu nước” nhưng “khoan thư sức dân” mới là yên dân và thương dân. Mà yêu nước thì tất phải thương dân hay ngược lại, thương dân cũng là yêu nước…
“Đóng thuế là yêu nước” thì “khoan thư sức dân” như lời của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn khuyên Đức vua là thương dân vậy.
Bùi Hoàng Tám