Xin đừng để sách giáo khoa thành “món hàng tươi màu mỡ...”

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Giả sử 50% chiết khấu của bộ sách 800 ngàn đồng với hàng triệu học sinh chẳng hạn, thì đống tiền đó quả là khủng khiếp và đầy ma lực. Xin đừng để sách giáo khoa thành “món hàng tươi màu mỡ...”!

Xin đừng để sách giáo khoa thành “món hàng tươi màu mỡ...” - 1

Mùa khai trường năm nay không tưng bừng, rực rỡ bởi đại dịch Covid 19 nhưng sức nóng của nó trong lĩnh vực mua sắm thiết bị giáo dục thì vẫn rừng rực như không khí trong lò chống tham nhũng.

Như một cuộc chạy đua với đủ các mánh lới của thương trường, sách giáo khoa, một mặt hàng thiết yếu bị “thổi giá” có lẽ chỉ kém vụ… lan biến đổi gien.

Nếu năm ngoái, bộ sách giáo khoa lớp một chỉ 175 ngàn thì năm nay, nó được “bơm” lên gần gấp 5 lần (807 ngàn đồng).

Thật ra, bộ sách giáo khoa mới chỉ có 8 cuốn (môn) cơ bản và một môn tự chọn. Thế nhưng, nó có tới 15 đầu sách “ăn theo” mà theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nói là để phụ huynh tham khảo, tự trang bị cho con em “nếu có nhu cầu và thấy cần thiết”, đồng thời khẳng định  “không có sự ép buộc phụ huynh phải mua thêm sách tham khảo”.

Vâng, nhưng khổ nỗi phụ huynh thường thì mải ăn, mải làm lại có phải ai cũng đủ khả năng để nhận biết cuốn nào cần thiết hay không cần thiết nên dù túng thiếu thì cũng nghiến răng dẫu “không có sự ép buộc”.

Đành rằng chả ai ép buộc được ai, thế nhưng khốn cái ở ta, có ba vị thầy mà phán thế nào thì đệ tử cũng phải nghiến răng theo cho trọn vẹn. Đó là thầy thuốc với bệnh nhân, thầy cúng với con nhang và thầy giáo với phụ huynh.

Mới đây trên báo Người Lao động, bài “Phải cách chức hiệu trưởng để xảy ra tình trạng "bán bia kèm lạc", TS Hoàng Ngọc Vinh nói:

“Để chấm dứt hiện tượng quảng cáo danh mục sách tham khảo tại các trường, phải cách chức trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng hoặc kỷ luật giáo viên cố tình giới thiệu không rõ ràng sách giáo khoa kèm sách tham khảo”.

Về việc xử lý kỉ luật, người viết bài này đồng tình. Song, về đối tượng thì chưa hẳn là chính xác bởi thực tế, cái “chỉ đạo miệng” nó từ đẩu, từ đâu, đặc biệt là với vụ việc này, giáo viên không được là “cái đinh gỉ”.

Từ cách đây khoảng nửa tháng, nhiều giáo viên đã phản ánh với tôi về việc họ bị ép buộc phải “ấn hành” các loại “bia hơi kèm lạc mốc” này một cách rất ấm ức.

Lý do, với chiết khấu 45 – 50%, họ chỉ được hưởng vài ba phần trăm, số còn lại chảy ngược về đâu đó mà tội lỗi cũng như lời ong, tiếng ve họ đều phải gánh cả.

Tôi đã trực tiếp phản ánh ý kiến của một giáo viên với vị giám đốc sở địa phương này và tất nhiên, câu trả lời cũng là do phụ huynh “tự nguyện” và “không ai ép buộc”...

Song, nói đi thì cũng nên nói lại.

Giả sử 50% chiết khấu của bộ sách 800 ngàn đồng với hàng triệu học sinh chẳng hạn (50% X 800.000đ X N.000.000 hs) thì đống tiền đó quả là khủng khiếp.

Xin đừng để sách giáo khoa thành “món hàng tươi màu mỡ...”!