Phụ huynh lớp 1 “hụt hơi” vì bộ sách 807.000 đồng: Bộ GD&ĐT nói gì?

(Dân trí) - Theo Bộ GD&ĐT, nhà trường không được ép buộc phụ huynh mua cả sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo. Các đơn vị cần ghi rõ SGK và sách tham khảo để phụ huynh lựa chọn.

Cấm "nhập nhèm" giữa SGK và tài liệu bổ trợ

Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết “Đầu năm học, phụ huynh lớp 1 “hụt hơi” với tiền sách hơn 800.000 đồng”, Bộ GD&ĐT đã có thông tin phản hồi.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, sau khi xác minh, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh xác nhận, có sự việc xảy ra ở Trường tiểu học An Phong, Quận 8, TP. HCM là nhà trường đưa danh mục sách lớp 1 gồm cả SGK và sách tham khảo lên đến 25 cuốn để phụ huynh đăng ký mua sắm.

PV: Sự việc một trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh đưa danh mục 25 cuốn sách lớp 1 mới, với giá hơn 800.000 đồng ngay đầu năm học khiến nhiều người bức xúc. Bộ GD&ĐT nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Trước hết, xin cảm ơn báo điện tử Dân trí đã rộng đường dư luận về sự việc. Ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT TPHCM làm việc với nhà trường Tiểu học để xác minh, làm rõ.

Phụ huynh lớp 1 “hụt hơi” vì bộ sách 807.000 đồng: Bộ GDĐT nói gì? - 1

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). 

Theo phản ánh sơ bộ của Sở GD&ĐT TP.HCM, danh mục sách vở lớp 1 năm học 2020-2021 mà phụ huynh cung cấp cho báo chí đúng là danh mục sách mà trường Tiểu học cung cấp để phụ huynh tham khảo để tự trang bị cho con em nếu có nhu cầu và thấy cần thiết, không có sự ép buộc phụ huynh phải mua thêm sách tham khảo.

Ở đây, do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa giáo viên và phụ huynh học sinh chưa rõ ràng, dẫn tới việc phụ huynh nắm thông tin không đầy đủ và trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh chưa phù hợp.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã nhắc nhở, yêu cầu các nhà trường trên địa bàn thành phố cung cấp thông tin sách vở cần trang bị cho học sinh trong năm học mới tới phụ huynh phải đầy đủ, rõ ràng.

Trong đó nêu rõ sách nào là bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu và thấy thật sự cần thiết cho con em mình.

Cấm ép buộc mua thêm sách bổ trợ hoặc tham khảo

Có thể đây không phải là trường hợp duy nhất có hiện tượng “nhập nhèm” thông tin về SGK ở các trường bởi năm 2020 lần đầu tiên thực hiện chương trình lớp 1 mới. Để công khai, minh bạch, Bộ GD&ĐT sẽ giám sát ra sao?

Sự việc ở TP.HCM là bài học kinh nghiệm để các nhà trường khi thông tin tới phụ huynh học sinh về việc mua sắm sách vở năm học mới cho học sinh cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông và xã hội

Phụ huynh lớp 1 “hụt hơi” vì bộ sách 807.000 đồng: Bộ GDĐT nói gì? - 2

SGK lớp 1 bắt buộc chỉ gồm 8 cuốn, không phải 25 cuốn như danh mục này. 

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn chỉ đạo về thực hiện nghiêm túc nội dung này.

Cụ thể, Công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002 về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo chương trình và SGK mới (chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT); Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh ngày 25/7/2008 về việc sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy, học tập.

Các văn bản đều quy định rõ, các cơ quan quản lí giáo dục, các trường không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ, các đơn vị có liên quan phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh biết.

Đặc biệt, Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã quy định rõ, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định.

Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.

Như vậy các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rất rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên được cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường cần thực hiện nghiêm, đúng theo quy định.

Đề nghị các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và các cơ quan liên quan tại các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát để các nhà trường thực hiện đúng theo quy định.

Phụ huynh lớp 1 “hụt hơi” vì bộ sách 807.000 đồng: Bộ GDĐT nói gì? - 3

Một bộ SGK lớp 1 bắt buộc chỉ gồm 8 cuốn như trên đây. 

SGK lớp 1 mới chỉ có 8 cuốn bắt buộc

Vậy theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới yêu cầu bắt buộc gồm bao nhiêu cuốn, thưa ông?

Theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn.

Các cuốn SGK bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.

Ngoài các cuốn SGK chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Ông nghĩ gì nếu dư luận cho rằng, nhà trường cố tình “nhập nhèm” khi cung cấp thông tin để phụ huynh mua thêm nhiều loại tài liệu bổ trợ với giá đắt đỏ?

Như tôi đã nói ở trên các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rất rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên được cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các nhà trường cần thực hiện nghiêm, đúng theo quy định, đề nghị các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và các cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để các nhà trường thực hiện đúng theo quy định.

Việc học sinh phải mua SGK, sách tham khảo qua kênh nhà trường từng được dư luận đặt ra là do nhà trường được hưởng hoa hồng hoặc chiết khấu phần trăm. Ông nghĩ sao về điều này?

Bộ GD&ĐT chưa nhận đc thông tin nào liên quan đến việc các trường “ép” học sinh mua SGK sách tham khảo để được chiết khấu phần trăm.

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm khắc, triệt để đúng quy định.

Đây là năm đầu tiên các trường học triển khai chương trình lớp 1 mới. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ sở giáo dục thực hiện thống nhất trong việc quy định danh mục SGK bắt buộc và không bắt buộc, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đã rất rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên được cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các nhà trường cần thực hiện nghiêm, đúng theo quy định.

Bộ cũng đề nghị các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và các cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát, tránh xảy ra sai sót.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm