Xăng "đốt" cháy túi người tiêu dùng

(Dân trí) - Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nước: Mỹ, Canada, Úc... về Việt Nam trong thời gian này, nếu có việc mua xăng, thường lấy làm ngạc nhiên. Bởi các cây xăng ở Việt Nam đại đa số không được đầu tư qui củ, hiện đại như các nước khác nhưng, giá xăng ở Việt Nam vẫn cao hơn rất nhiều.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những người có quan tâm chút về cơ cấu giá xăng thì đều hiểu đơn giản vì ở ta, một lít xăng đã cõng tới 4 loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường (3000 đồng/lít)... Cộng lại đã gần 50%. Tức là, nếu không có các mức thuế này, giá xăng chỉ khoảng 7000 đồng/lít, có khi còn rẻ hơn chai Lavie bán vỉa hè.

Tất nhiên là ai cũng hiểu, Nhà nước cũng phải thu thuế để ngân sách nhà nước còn có tiền chi tiêu hạ tầng, đường xá, trường học, trả lương...; doanh nghiệp cũng phải có lợi nhuận để có thể tồn tại và phát triển. Nhưng giá xăng cao hơn nhiều nước, vẫn không khỏi khiến nhiều người ấm ức, kêu ca cho dù từ đầu năm đến nay, trừ ngày 4/3 vừa rồi, giá giữ nguyên, giá xăng thế giới đã liên tục giảm.

Nhưng những thông tin tiết lộ gần đây cho thấy, sự bất bình của người dân khi so sánh giá xăng ở Việt Nam với giá xăng nhiều nước là rất có căn cứ. Thứ nhất, người ta đã phát hiện ra, trong năm 2015, riêng với xăng dầu nhập từ ASEAN, thuế áp dụng với các mặt hàng dầu chỉ còn 5 %, từ 1/1/2106 mới về 0%, riêng thuế nhập với xăng vẫn là 20%. Nhưng theo Thông tư số 78 của Liên bộ Tài chính-Công thương ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở - căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút là 10%. Điều này đã tạo ra chênh lệch lên tới 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Nhờ đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã được hưởng lợi rất lớn.

Trước nay, Việt Nam mỗi tháng nhập khoảng 400 triệu lít dầu diesel từ các nước ASEAN, và trung bình với khoản chênh nói trên, một doanh nghiệp có thể lãi trên 200 tỉ đồng/tháng. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi năm rồi, các doanh nghiệp xăng dầu đều lãi rất khủng. "Béo" nhất là "ông lớn" Petrolimex với lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu lên tới 1.990 tỉ đồng (nên nhớ, năm 2014, Petrolimex còn bị lỗ 8 tỉ đồng).

Một phát hiện bất ngờ mà cuối tuần qua, báo chí mới nêu: Hoá ra, từ đầu năm đến giờ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do đã ký kết giữa Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), khi thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc chỉ còn 10%. Như vậy, nếu các doanh nghiệp chuyển hướng nhập xăng dầu từ Hàn Quốc, thay vì nhập từ Singapore hay Malaisia như trước đây, thì họ được hưởng lợi rất lớn mà giá xăng, dầu bán tới tay người dân, cho dù được giảm, cũng không được bao nhiêu theo công thức tính cũ của liên bộ: Tài chính-Công Thương.

Đã có người lợi thì tất phải có người thiệt. Người thiệt ở đây lớn nhất vẫn là người tiêu dùng, khi mức giảm giá xăng dầu mà Liên Bộ: Công thương-Tài chính, không biết có "hữu ý" không, đã không tính đến n hững khoản lợi nhuận bất thường từ năm 2015 đến nay mà các doanh nghiệp được hưởng do tranh thủ khai thác mức chênh lệch về thuế như đã nói ở trên đem lại.

Nhưng dường như thế vẫn chưa đủ. Trong một tờ trình mới đây gửi lên Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn vô tư đề xuất Chính phủ cho lập ra một quỹ, trích từ phí xăng dầu tiêu dùng do PVN thu tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng để có một phần tiền trả cho cam kết ưu đãi thuế cho nhà đầu tư Dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (số tiền dự kiến phải bù đắp thật khủng khiếp: 75.000 tỉ đồng). Chấp nhận một cam kết phi lý, bất lợi cho quốc gia và bắt người tiêu dùng phải gánh vác hậu quả. Đây thực sự là điều không thể chấp nhận nổi.

Thuế, phí với xăng, dầu đã tăng liên tục trong những năm qua và luôn chiếm một tỉ lệ rất cao trong giá xăng dầu bán lẻ. Người ta hay nói, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước (ngân sách), doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng lâu nay, chỉ mới thấy lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp khi ngân sách vẫn thu khá, doanh nghiệp thì đã lãi to, còn người dân luôn chịu thiệt. Giá xăng dầu trong thời gian qua được giảm nhiều cũng do giá xăng dầu trên thị trường thế giới xuống rất thấp. Nhưng mức giảm đó, rõ ràng là vẫn chưa đảm bảo cân đối, hài hoà với lợi ích người tiêu dùng. Nên, một điều đáng lo ngại, đó là một khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới hồi phục, tăng liên tiếp, giá xăng dầu trong nước lại tăng, thế thì với mức thuế, phí cao như hiện nay càng làm giá bán tăng cao thì các doanh nghiệp có trích được trong các khoản lợi nhuận lớn của mình đã "gặt" được trong thời gian qua để giá không tăng sốc không, hay vẫn điệp khúc: điều hành theo thị trường ...?

Mạnh Quân