Vụ Khaisilk, người dân chờ đợi nhiều hơn nữa ở Bộ trưởng Công Thương
(Dân trí) - Đã đến lúc lãnh đạo Bộ Công Thương cần xem xét, cơ cấu lại Cục Quản lý Thị trưởng, một đơn vị vốn từng không ít điều tiếng trong quá khứ, cụ thể trong vụ việc này thì “thiếu trách nhiệm, làm báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách”.
Trước hết, xin ghi nhận tinh thần khẩn trương và thái độ quyết liệt của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh những ngày vừa qua trong việc xử lý đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng của Khaisilk. Xin điểm lại một số việc làm cụ thể.
Ngày 23/10, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.
Ba ngày sau (26/10) khi biết thông tin này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lập tức chỉ đạo Chánh Văn phòng Trần Hữu Linh ký văn bản hỏa tốc: "Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10/2017”.
Một ngày sau (27/10), trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta".
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các hoạt động đó phải đáp ứng, tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến pháp luật, bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng.
Chiều ngày 30/10/2017, sau khi nhận được bản báo cáo từ chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội mà nội dung, nói như ĐB Dương Trung Quốc là “lỗi cậu đánh máy” hay như người viết bài này từng nhận xét “Một kết luận “ấm lòng” người vi phạm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì một cuộc họp với các đơn vị liên quan.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phê bình Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thiếu phối hợp với các cơ quan liên quan, chưa kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng liên quan tới điều tra, làm rõ sai phạm đồng thời phê bình Cục Quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, làm báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách của mình.
Sáng ngày 31/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã quyết định chuyển hồ sơ vụ việc liên quan tới Tập đoàn Khaisilk sang cơ quan điều tra – Công an TP. Hà Nội để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không dừng ở đó, Bộ trưởng còn cho biết sẽ mở rộng thanh, kiểm tra toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc tập đoàn Khaisilk...
Như vậy là chỉ trong 5 ngày (26-31/10) kể từ khi nhận được thông tin, hàng loạt quyết định quan trong đã được Bộ Công Thương ban hành với nội dung rất kiên quyết.
Nhìn lại thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có nhiều nỗ lực. Thừa hưởng một “di sản tồi tệ” từ người tiền nhiệm với đủ những sai lầm, vi phạm trong hầu hết các lĩnh vực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa cần mẫn, vừa khẩn trương gỡ rối trong từng lĩnh vực và hiện, đã đạt những hiệu quả rõ nét.
Đó là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong việc thi hành kỉ luật những cán bộ liên quan đến sai phạm từ nhiệm kỳ trước, cơ cấu lại tổ chức, sáp nhập giảm các đầu mối ngay tại Cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc. Hủy bỏ hàng loạt những qui định rào cản thông thương…
Những việc làm này đã được dư luận đánh giá cao, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi trong Hội nghị Tổng kết cuối năm 2016, đặc biệt là tạo sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trở lại với vụ việc Khaisilk, xin được một lần nữa ghi nhận những hành động khẩn trương và quyết liệt của Bộ Công Thương.
Song, dư luận còn cần nhiều hơn thế. Đó là đã đến lúc lãnh đạo Bộ Công Thương cần xem xét, cơ cấu lại Cục Quản lý Thị trưởng, một đơn vị vốn từng không ít điều tiếng trong quá khứ, cụ thể trong vụ việc này thì “thiếu trách nhiệm, làm báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách”.
Đồng thời, cần làm rõ vì sao Chi cục QLTT Hà Nội lại có thể báo cáo một kết luận “vô duyên, vô nghĩa, vô trách nhiệm với người tiêu dùng” như lời của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội.
Bạn đọc Bùi Thế Anh bày tỏ với Dân trí: “Một kết luận bao che cho hành vi kinh doanh gian dối, lừa bịp người tiêu dùng”.
Bạn Mạnh Hùng thì chua chát:”Họ là "luật sư" của Khaisilk đấy! Nhưng họ quên rằng trách nhiệm để sự lừa dối diễn ra hàng chục năm là của họ. Thế là họ phạm hai tội "dung dưỡng" và "che giấu" cho Khaisilk?”…
Bùi Hoàng Tám