Vinastas, vụ "nước mắm" và "khoảng trống quyền lực" của người tiêu dùng

(Dân trí) - Việc kiểm tra, xử lý vụ công bố sai thông tin về hàm lượng arsen (thạch tín) trong nước mắm của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đang đi tới hồi kết khi kết luận của các bộ, ngành chức năng (nhất là Bộ Y tế) đã quá rõ ràng. Nhưng qua đó, dễ thấy, từ lâu, dù có Vinastas, "quyền lực" của người tiêu dùng đang bị bỏ trống.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Văn phòng của Vinastas là một ngôi nhà rất nhỏ trong ngõ 22 phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội. Hơn 10 năm qua, nó vẫn luôn thế, nhỏ bé, ẩm mốc, ít người lui tới (theo quan sát của người viết bài này).

Công bằng mà nói, trong khoảng 3 năm gần đây, Vinastas cũng bắt đầu có một số hoạt động "ấm" hơn trước. Nhưng rất dễ nhận ra là Hội này chỉ tham gia các hoạt động bề nổi: Hội thảo, hội nghị nhưng cũng chỉ có những ý kiến phát biểu dè dặt và cũng ít khi họ thực sự làm được những việc xứng đáng với cái tên đại diện cho người tiêu dùng.

Cho nên, với việc Vinastas chủ trì, thực hiện cuộc khảo sát và công bố hàm lượng arsen trong nước mắm (truyền thống) với những thông tin ban đầu gây chấn động như vậy không khỏi gây ngạc nhiên với những ai đã từng biết đến Vinastas. Đây có thể nói, là một trong những "phi vụ" có vẻ to nhất mà Vinastas đã thực hiện.

Có điều đen đủi cho Hội này là đến thời điểm này, rõ ràng, "phi vụ" đó đã không thành công khi cơ quan có trách nhiệm cao nhất về an toàn, vệ sinh thực phẩm là Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế ngày 22/10 đã chính thức công bố: Kết quả kiểm nghiệm asen cho thấy 247/247 các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép (theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế).

Như vậy, tất cả thông tin trước đây do Hội này khảo sát- một việc rõ ràng không phù hợp với chức năng của một tổ chức như Vinastas- những thông tin về hàm lượng arsen vượt tiêu chuẩn là những thông tin sai lệch.

Điều nguy hiểm là những thông tin đó đã ít nhiều gây hoang mang cho người dân và đã gây hậu quả nhất định cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm nhất là các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Hơn nữa, nó lại được đạo diễn, tổ chức đưa tin trên báo, phát tờ rơi tới các chợ, trung tâm thương mại... để phát huy tối đa tác động của thông tin xấu đó đến người tiêu dùng.

Nhưng điều may mắn là Chính phủ, các Bộ cũng đã vào cuộc kịp thời, chấn chỉnh những thông tin sai lệch trên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt yêu cầu làm rõ quá trình công bố thông tin của Vinastas, việc đăng thông tin (sai) của Vinastas trên báo chí. Bộ Công an cũng đã vào cuộc để điều tra, xử lý vụ việc này.

Cho dù kết quả các cuộc kiểm tra, điều tra trên chưa có (kết quả cuối cùng phải báo cáo cho Thủ tướng trước ngày 10/11/2016), nhưng có thể nói, uy tín của Vinastas vốn đã thấp, nay trở lên xuống thấp đến mức chưa từng thấy trong quá trình hoạt động, vốn dĩ đã rất nhạt nhẽo của họ. Trong những ngày qua, đã có quá nhiều ý kiến bạn đọc gửi bình luận (comment) đến Dân trí bày tỏ quan điểm: Nên giải tán, đóng cửa Hội này.

Ở nhiều nước trên thế giới, các hiệp hội, hội bảo vệ người tiêu dùng hoạt động rất mạnh và đó luôn là các tổ chức đại diện cho quyền của người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động đấu tranh, bảo vệ người tiêu dùng, các Hiệp hội, bảo vệ người tiêu dùng thực sự có một "quyền lực" rất lớn, buộc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, và cả các cơ quan Chính phủ phải đáp ứng, thực hiện yêu cầu của người tiêu dùng.

Thậm chí, nhiều nước, doanh nghiệp luôn coi quyền lực của người tiêu dùng, thông qua các hiệp hội đại diện cho họ là một thứ quyền lực lớn nhất chứ không phải là các cuộc kiểm tra, thanh tra, xử phạt của cơ quan nhà nước. Một cuộc vận động tẩy chay một sản phẩm, dịch vụ nào đó (nếu gây hại, đi ngược lợi ích của người tiêu dùng), nếu được các hội này phát động có thể làm phá sản cả một tập đoàn lớn.

Ở Việt Nam, Vinastas cũng đã hình thành nên một hệ thống từ trung ương đến các địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố lớn đều có chi hội của Vinastas. Theo Bộ Công thương, hàng năm, Vinastas cũng đã xử lý hàng ngàn đơn thư, phản ánh, khiếu nại chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp của người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, ở hầu hết các vụ việc lớn: Vụ án "con ruồi" trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát, các vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản ngân hàng, các vụ thực phẩm bẩn... đều không thấy bóng dáng, tiếng nói rõ rệt nào của Vinastas. Cho nên, đến sự việc này, khi thông tin của Vinastas đã có những dấu hiệu sai lệch rõ ràng, đông đảo người tiêu dùng đã thể hiện thái độ giận dữ. Và ở đây, riêng vụ việc này, rõ ràng Vinastas đã không làm được vai trò đại diện cho người tiêu dùng mà đã đi ngược lại lợi ích của họ.

Do đó, qua vụ việc "Arsen trong nước mắm", cần nhìn lại việc tổ chức Hội như Vinastas để xem cách thức lập ra, vận hành các hội như thế này, nó thực sự có hiệu quả, đại diện được qua quyền lợi người tiêu dùng hay không. Nếu như nó chỉ là một tổ chức có tính chất hành chính, lập ra cho có, khi có việc này, việc kia, lại chỉ đứng về phía người trả tiền cho mình, lợi dụng tiếng nói và danh nghĩa của hội, thậm chí có lúc còn phản bội niềm tin của người tiêu dùng thì ý kiến, kiến nghị của người dân đòi giải tán hội này không phải là không có cơ sở.

Mạnh Quân