“Văn hóa từ chức” không còn là “xa xỉ” đối với mọi phẩm hàm!

(Dân trí) - “Văn hóa từ chức” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và ngay cả tại nghị trường Quốc hội, đã có lần cách đây mấy năm, ĐB Dương Trung Quốc đặt ra với người đứng đầu Chính phủ thời điểm đó.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thế nhưng lần này, chính người đứng đầu Chính phủ đã chủ động đề cập đến vấn đề này. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều ngày 28/11, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lấy ví dụ đồng thời còn giao trách nhiệm cụ thể. “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”, Thủ tướng nói.

Thật ra, văn hóa từ chức đã từng tồn tại trong lịch sử nước nhà. Các cụ như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và biết bao nhiêu bậc nho sĩ khác trả ấn, từ quan về vui thú ruộng vườn, sống cuộc đời thanh bạch.

Điển hình nhất có lẽ là cụ Nguyễn Công Trứ, người cuối đời từ quan về quê sống đời nhàn tản. Đấy là con người coi chức tước nhẹ hơn cả… lông hồng, mất không buồn, được không mừng. Chuyện kể rằng Nguyễn Công Trứ từng ba lần mất chức và ba lần được phục chức. Có lần vua hỏi: “Ta phục chức cho nhà ngươi, nhà ngươi có mừng không?”. Nguyễn Công Trứ thản nhiên thưa: “Khi bệ hạ cách chức thần, thần có buồn đâu mà khi phục chức thần mừng cơ chứ?”.

Gần đây, cũng có một số trường hợp “từ quan” nhưng thường là ở thế không “từ” không được. Trong khi khái niệm “từ quan” luôn được hiểu là người chắc chắn còn ở lại làm quan được, thậm chí vẫn có cơ hội thăng tiến nhưng kiên quyết từ chối và trường hợp như thế này hiện nay rất hiếm, thậm chí quá hiếm xảy ra.

Vì sao chuyện “từ quan” đối với các cụ ta ngày xưa khá dễ dàng, bây giờ lại “khan hiếm” như vậy?

Thật ra thì thời nào cũng thế, người làm quan thường bổng lắm, lộc nhiều, không chỉ cả họ được nhờ mà mấy họ được nhờ. Nhưng làm quan thời nay thì người được nhờ vả càng không kể xiết. Rồi làm quan đồng nghĩa với lên xe, xuống ngựa, nói một câu cả đống người nghe. Nghĩa là nó oai lắm, oách lắm và… giầu lắm. Khi từ quan tức là anh mất hết, có khi làm dân nên còn bị hành… là chính.

Cho nên trong đời con người ta, phấn đấu để được làm quan đã khó, khi làm quan còn khó hơn nhiều và lúc từ quan còn khó gấp bội. Nhiều người giữ được thanh danh gần cả đời nhưng đến lúc từ quan thì không kìm nén được, trở nên lố bịch trong mắt người đời.

Vì thế, muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị. Thứ hai, giáo dục ý thức công dân tức là ý thức làm chủ cho mỗi người dân để họ hiểu rằng, họ phải có trách nhiệm đóng thuế để trả công cho những người đang phục vụ họ.

Làm được hai việc này, nhà quản lý sẽ coi công việc của mình là nhiệm vụ nên phải có bổn phận và trách nhiệm với công việc. Lúc đó, nếu không đủ năng lực hoặc với một lý do nào đó, nhà quản lý sẽ sẵn sàng từ chức để người khác làm tốt hơn lên thay. Tuy nhiên, cũng cần phải triệt tiêu mọi “bổng lộc” mà khi làm quan mới có.

Trở lại với gợi ý của Thủ tướng, mong rằng Bộ Nội vụ sẽ sơm ban hành văn bản qui định về vấn đề này, làm sao để việc từ chức không còn là việc làm “xa xỉ” đối với tất cả mọi phẩm hàm, chức tước.

Bùi Hoàng Tám