Từ "lời xin lỗi" hàng trăm triệu USD lại ngẫm về "quy trách nhiệm"
(Dân trí) - Kỳ thực, một lời "xin lỗi" không hề khó nói. Cái khó của câu xin lỗi chính là đi liền với trách nhiệm. Phần lớn người ta chỉ lo sợ bị liên lụy, bị quy trách nhiệm, bị thiệt thòi hơn là nghĩ về những thiệt hại của vụ việc đã xảy ra, hơn là mang đến một thái độ cầu thị, mong khắc phục, sửa đổi.
Báo chí đưa tin, 128 triệu USD là số tiền bồi thường tối thiểu mà hãng bay British Airways (BA) phải bỏ ra cho sự cố máy tính khiến hơn 1.000 chuyến bay và hàng trăm nghìn hành khách bị ảnh hưởng. Đó là còn chưa kể đến chi phí dành cho việc xin lỗi khách hàng và thiệt hại kinh doanh.
Quy mô thiệt hại ở đây là lớn nhưng cái giá mà hãng bay này phải trả cũng không hề nhỏ.
Trên thực tế, sự cố xảy ra không ai mong muốn. Bản thân hãng bay, ngoài việc ùn ứ, ách tắc không thể khai thác dịch vụ, BA còn phải tốn tiền cung cấp các bữa ăn, nơi ngủ nghỉ cho hành khách hay hoàn tiền một phần tiền vé.
Nói cách khác, lời xin lỗi mà BA phải đưa ra với khách hàng có "sức nặng" lên tới cả trăm triệu đô la.
Trông người lại ngẫm đến ta. Lời "xin lỗi" tưởng là phổ biến, nhưng nghe ra lại khó khăn vô cùng.
Ngay tại Hà Nội, vốn là đất kinh kỳ từ lâu, người ta vẫn lưu truyền câu ca: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Ấy thế mà, cảnh "bún mắng", "cháo chửi" lại được coi như… đặc sản.
Chuyện chặt chém, đuổi khách, đôi co, cãi cọ... đến bất cứ nơi đâu, bất cứ khu du lịch ở địa phương nào cũng dễ gặp, dễ chứng kiến.
Nhà đầu tư bất động sản lúc huy động vốn thì hứa hẹn đủ điều, đến lúc dự án xây xong bàn giao cho khách, dịch vụ cung cấp tệ hại, dân kiến nghị chẳng thấy ai thưa đáp. Bức xúc, cư dân cũng chỉ biết chăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối, kêu lên báo chí, chính quyền, may mắn lắm mới được xử lý, sữa chữa lại, chứ cũng chẳng thấy ai đứng ra xin lỗi, đền bù gì.
Tuy nhiên, có những vụ việc như hơn 20 lần vỡ đường ống cấp nước của Vinacones và vẫn còn tiếp tục vỡ dù đã từng xin lỗi…
Đó là quan hệ kinh tế thông thường. Đến những chuyện đại sự quốc gia, như đầu tư thất thoát, cấp phép sai lầm; tham nhũng vặt tràn lan gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp; giao thông thì xe gây tai nạn, y tế thì tắc trách gây chết người... Thế nhưng, rất hiếm khi thấy lãnh đạo, quan chức đứng ra tự chịu trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi, trừ khi vụ việc đã trở nên "to chuyện", vấp phải áp lực dư luận quá lớn, họa hoằn mới có một lời xin lỗi được đưa ra - mà cảm giác như cũng chỉ để chiếu lệ, cho có mà thôi.
Kỳ thực, một lời "xin lỗi" không hề khó nói. Cái khó của câu xin lỗi chính là đi liền với trách nhiệm. Phần lớn người ta chỉ lo sợ bị liên lụy, bị quy trách nhiệm, bị thiệt thòi hơn là nghĩ về những thiệt hại của vụ việc đã xảy ra, hơn là mang đến một thái độ cầu thị, mong khắc phục, sửa đổi.
Khi sự tự giác không xuất phát từ nền tảng giáo dục cộng đồng, đứa trẻ té ngã không biết tự đứng lên, chỉ đổ lỗi, "đánh chừa" cho cái bàn, cái ghế... thì rất khó để tạo nên những thế hệ công dân giàu lòng tự trọng, biết tôn trọng người khác và biết xấu hổ về những điều sai trái đã làm.
Nên, có lẽ cũng đã đến lúc, chúng ta đừng cố gắng nhào nặn nên những lứa trẻ em thiên tài, mà trước hết hãy dạy chúng biết "cảm ơn", "xin lỗi" một cách chân thành, thiết thực.
Xã hội mong đợi ở bộ máy tổ chức, dù là ở bất cứ đâu, Nhà nước hay doanh nghiệp, cốt không phải là chọn ra được những người lãnh đạo xuất chúng, "biết tuốt" mọi điều, quan trọng là người đứng đầu phải là người có tầm, có tâm, đủ bản lĩnh, đủ trách nhiệm, biết quán xuyến.
Và hơn tất cả, bộ máy đó, môi trường xã hội đó phải có kỷ luật, kỷ cương chặt chẽ, để không phải mỗi lần xảy ra chuyện, người ta lại phải chứng kiến cảnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Bích Diệp