Trưng cầu để làm gì?
LTS: DTiNews - Báo điện tử tiếng Anh của Dân trí, mới đây chào đón thêm JC Smith, một người Anh đã sống ở Hà Nội được 6 năm, vào làm việc cùng Brian Webb - blogger người Mỹ quen thuộc của Chuyện 26. Xin trân trọng giới thiệu bài viết đầu tiên của JC Smith.
Tôi nghĩ là ý tôi đã rõ. Việc trưng cầu ý kiến nhân dân là việc khá vô nghĩa nếu câu trả lời đã quá hiển nhiên, thậm chí trong một số trường hợp còn có tác dụng ngược. Tôi không thể không nghĩ tới một ví dụ hoàn hảo khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cách đây vài năm, tổ chức một cuộc thi để người dân toàn quốc đóng góp ý tưởng cho biểu tượng mới của VFF. Thiết kế được chọn kể ra cũng không phải là quá tệ hại, nhưng các ông ơi, các ông đã là một tổ chức chuyên nghiệp rồi. Tiếp thị và định vị thương hiệu là những yếu tố cốt yếu đối với việc phát triển hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Đã tới lúc các bạn thuê một công ty chuyên nghiệp để nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này, tham khảo ý kiến các chuyên gia về thương hiệu, rồi cùng đi tới một thiết kế chuyên nghiệp. Cách làm "a-ma-tơ" một cách vui vẻ đã không còn phù hợp nữa rồi.
Tình hình cũng tương tự khi nhắc tới khẩu hiệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam: "Vietnam a different Orient", vốn khi công bố đã khiến cả tòa soạn Vietnam News (báo tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam) cười nghiêng ngả vì sự lạc lõng tới mức ngớ ngẩn của nó.
Vậy khẩu hiệu đó cố nói lên điều gì đối với ngành du lịch quốc tế và những khách du lịch tiềm năng cho Việt Nam? Việt Nam, đại loại là giống như phương Đông nói chung nhưng, ừm... đại loại là khác? Đối với tôi khi nghe "Vietnam a different Orient" thì… Hả? Sao cơ? Như kiểu Leyton Orient Football Club (tên một câu lạc bộ bóng đá ở Anh)? Hay "như Trung Quốc nhưng dịch xuống tí, xuống tí nữa, sang trái, đúng rồi cạnh Lào đấy". Thêm vào nữa, việc dùng từ "Orient" có lẽ rơi vào danh sách những từ không còn được dùng với nghĩa lịch sự nữa, nó đầy hàm ý trịch thượng với những cách diễn giải mang tính đế quốc chủ nghĩa phương Tây về các nền văn hóa phương Đông. Nó là một từ đã bị đặc biệt lên án trong giới học giả bởi triết gia nổi tiếng người Palestine Edward Said, người đã nói rằng "kể từ thời Homer, mọi người Âu, trong những gì anh ta có thể nói về Orient, là một kẻ phân biệt chủng tộc, theo đế quốc chủ nghĩa, và gần như hoàn toàn mang tính vị chủng".
Nếu khẩu hiệu đoạt giải còn chưa đủ tệ, thì giải nhì được ca ngợi bởi sự sáng tạo đáng ngạc nhiên “Đất nước của những nụ cười” (the country of smiles)… chờ chút, ý bạn là gần như giống y chang khẩu hiệu mà Thái Lan đã dùng suốt 30 năm qua? Vậy là sau một cuộc thi kéo dài 4 tháng với 413 tác phẩm đến từ 233 nhà thiết kế, chúng ta kết thúc với một nhà vô địch tệ hại và một giải nhì "trộm ý tưởng".
Đủ rồi! Thời đại của cách làm "a-ma-tơ" một cách vui vẻ đã hết, và các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước của Việt Nam sẽ phải dùng tới thuốc đắng để giã tật. Tiếp thị và định vị thương hiệu không phải là trò vui hay cơ hội cho các nhà thiết kế nghiệp dư thử nghiệm kỹ năng Photoshop của mình, đặc biệt là khi nó dính tới hàng triệu đô la tiền quốc gia, và khả năng bị biến thành trò đùa.
JC Smith
(U.M dịch)
*Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả, xin mời độc giả đọc bài viết này của JC bằng bản tiếng Anh tại đây