Triển lãm Hoàng Sa không thể thiếu trận hải chiến 40 năm trước

(Dân trí) - Lên án chế độ Việt Nam Cộng hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng hòa chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau.


Triển lãm Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền
của Việt Nam
tại Đà Nẵng 
Triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam" tại Đà Nẵng 

Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” được Bảo tàng, UBND huyện đảo Hoàng Sa và Sở ngoại vụ Đà Nẵng tổ chức tại Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng ngày 9/1.

Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ truyền lửa cho thế hệ trẻ rằng: “Quyết tâm và trách nhiệm đòi lại Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tinh thần của các bạn sinh viên và thế hệ trẻ đối với lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc”.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu: “Đối với mỗi dân tộc, chủ quyền quốc gia trong đó có chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề có ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng. Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta từ bao đời nay luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, và mãi mãi chiếm trọn trái tim, tâm trí của mỗi người dân Việt Nam”.

Đã nói đến lịch sử thì phải rõ ràng, khách quan, đầy đủ. Cho nên, khi nói về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa không thể thiếu trận hải chiến của hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa. 40 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Những người lính của Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên và đã hy sinh.

Tư liệu, hình ảnh về các chiến hạm Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt… tham gia bảo vệ Hoàng Sa, tên tuổi các binh lính, sĩ quan tử trận trong trận hải chiến này còn đó. Dù họ khoác màu áo nào, nhưng họ đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn của cha ông để lại thì họ cũng là những dũng sĩ.

Theo quan điểm của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – một trong những chuyên gia về Hoàng Sa – Trường Sa, đất nước cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa. Trả lời trên Thanh Niên ngày 7/1, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: Lên án chế độ Việt Nam Cộng hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng hòa chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau.

Trở lại với triển lãm tại Trường Đại học Đà Nẵng, đã có một số tư liệu, hình ảnh về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa cùng những hoạt động dân sự, quân sự trên quần đảo này. Triển lãm cũng đưa ra những tư liệu chứng minh hành động phi lý và phi pháp của Trung Quốc khi chiếm đóng trái phép và đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc tấn công cưỡng chiếm của Trung Quốc và trận hải chiến đẫm máu trong 30 phút vào ngày 19/1/1974 cần phải được trưng bày, giới thiệu. Sinh viên, các bạn trẻ cần tiếp nhận đầy đủ thông tin, hiểu rõ về lịch sử, tôn trọng sự thật của lịch sử.

Triển lãm còn kéo dài, hy vọng, những tư liệu về trận hải chiến và cũng là chứng cứ chứng minh Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa sẽ được giới thiệu đầy đủ vào đúng ngày mất Hoàng Sa 40 năm trước – ngày 19/1.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!