“Trăm gian” và còn ngàn gian nữa
(Dân trí) - Vụ ngôi chùa Trăm gian bị hủy hoại do sự tối dạ của con người chưa im tiếng được, bởi vì từ trong đống đổ nát đó có nhiều chuyện để bàn.
Nhưng than ôi, cho dù có họp trăm cuộc, vạn cuộc thì cũng không thể cứu được ngôi chùa nữa. Nó đã bị bức tử, mọi sự phục dựng đều vô nghĩa. Thời gian là ngôn ngữ của di tích, nhưng dấu vết thời gian phong sương đó đã mất rồi.
Và cũng đáng để cảm thán thay, một vụ tày trời như thế, chỉ có ông Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm gian bị cách chức. Ai cũng biết thói đời “cờ bí…”, nhưng cỡ chức vụ ngang với “ông từ” giữ đền mà cũng hô hoán lên là cách chức làm chi cho thiên hạ cười. Đã “cách” thì “cách” luôn các vị quan chức có sao, có số cho nó oách, nó đáng “đồng tiền, bát gạo” chứ ai lại lôi “ông từ” ra thế mạng.
Thôi, chuyện chùa Trăm gian coi như xong vì hai hạng mục Gác Khánh và nhà Tổ đã bị xóa sổ, nhưng từ đó, hãy thức tỉnh để giữ hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa còn lại.Báo chí vừa đưa tin nóng giòn, tại Văn Giang, Hưng Yên, người dân gửi đơn lên Thanh tra Bộ VH-TT-DL kêu cứu về việc đình cổ Ngu Nhuế, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã bị san phẳng. Còn nhiều nơi khác, di tích xuống cấp nghiêm trọng, cổ vật bên trong bị trộm cắp, lần hồi chỉ còn có cái biển ghi chữ “Di tích”, còn bên trong đã tan hoang. Càng nghĩ càng thấy xót xa.
Có những di tích lịch sử, văn hóa bị người ta thay đá thềm xưa cũ bằng đúc xi măng, gạch xưa cũ bằng gạch Tàu đời mới, mái ngói xưa cũ bằng ngói đỏ lòe loẹt, cột gỗ xưa cũ bằng cột xi măng tô màu sặc sỡ… Trong sự phá hoại này, một phần do cái tham, một phần do thiếu hiểu biết. Làm công tác bảo tồn văn hóa mà thiếu hiểu biết về văn hóa thì chẳng khác gì phá hoại.
Lịch sử của dân tộc cũng giống như trí nhớ của con người. Con người không nhớ được quá khứ là con người bất bình thường. Dân tộc không lưu giữ được lịch sử văn hóa của cha ông để lại thì chẳng khác gì người mất trí nhớ.
Di tích văn hóa là một phần của lịch sử, hủy hoại nó chính là hủy hoại trí nhớ của dân tộc.
Đừng để đến khi người ta phá hết cả một ngôi cùa như vụ chùa Trăm gian thì mới tổ chức họp hành, trả lời phỏng vấn… và cuối cùng “thí tốt”.
Hãy ngăn chặn những hành vi phá hoại bằng biện pháp quản lý khoa học, sự đầu tư bảo tồn đúng mức và quan trọng nhất là sử dụng con người có tầm văn hóa làm công tác quản lý văn hóa.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!