Tội tham nhũng và “nhà lao trong lồng đẹp”

(Dân trí) - Nhốt trong lồng vừa có tính răn đe, lại vừa giảm được chi phí, xã hội không phải nuôi mấy “ông tù”. Nghe nói “nhà lao trong lồng” đã được áp dụng ở Trung Quốc và rất hiệu quả. Không biết ở ta có nên thực hiện phương pháp này không nhỉ?

 

Tội tham nhũng và “nhà lao trong lồng đẹp” - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ hiếm có tội danh nào nhận được nhiều ý kiến khác nhau như khi bàn về bỏ án tử hình cho tội tham nhũng.

Bên đồng ý thì cho rằng việc bỏ án tử hình thể hiện tính nhân văn khi trong xu thế các nước tiên tiến đều hướng tới điều này. Về mặt hiệu quả kinh tế, cách đây ít lâu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Nếu để cho tội phạm này được sống thì tài sản được thu hồi, thậm chí có những trường hợp sai phạm được miễn xử phạt, ngoài khoản tiền đền bù họ còn phát triển kinh tế rất tốt và trở thành anh hùng”.

Đồng tình với ông Vinh, Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang – nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) cũng cho rằng quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó, nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình.

“Tháng 7/2014, nước Nga có sắc lệnh quy định trước khi khởi tố người tham nhũng tự giác nhận khắc phục cơ bản tài sản thì không bị xử lý hình sự. Nếu phát hiện, khởi tố mà nộp phần lớn hoặc toàn bộ thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Họ nói với tôi từ khi có sắc lệnh mới tài sản thu hồi tăng gấp 5 lần. Do đó ta nên ủng hộ việc khắc phục cơ bản để giảm tử hình mà không nên quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án”. Ông Độ nói.

Tuy nhiên, những ý kiến không đồng tình thì cho rằng tham nhũng là “giặc nội xâm”, đang phát triển ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Việc bỏ án tử hình, “xã hội sẽ loạn” như ý kiến của ĐB Đỗ Ngọc Niễn: “Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, tham nhũng là quốc nạn, làm lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã kiên quyết phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn mà tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, dư luận xã hội hết sức bất bình, đòi hỏi chúng ta cần phải có hành động kiên quyết hơn nữa. Để ngăn chặn loại bỏ quốc nạn này lý ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại”. ĐB Niễn còn cho rằng bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, “nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng ta”.

Song, “thú vị” nhất có lẽ là ý kiến của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Theo ĐB Nam, hình phạt kiểu như đánh roi của Singapore sẽ hiệu quả trong tình hình hiện nay. “Đánh roi rất đơn giản và xã hội ta đang cần phải đánh roi”. Không dừng ở đó, ĐB Nam đề xuất với tội phạm tham nhũng, “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ” và theo quan điểm của ông, đó không phải là nhục hình.

Về hình phạt, thời cổ đại, nghe nói một bộ tộc ở Châu Phi có một phương pháp rất hiệu quả. Đấy là nếu như một người nào đó bị tất cả bộ tộc đồng ý tử hình thì sẽ được miễn tội chết. Lý do mà họ đưa ra là hãy để cho kẻ đó sống trong tủi hổ, cô đơn và xa lánh của cả cộng đồng. Hình phạt đó khắc nghiệt hơn cái chết.

Đối với đề xuất của ĐB Nam, có lẽ cách làm này vừa có tính răn đe, lại vừa giảm được chi phí cho xã hội. Nhà tù cũng đỡ “chen chúc, chật chội” và xã hội không phải nuôi mấy “ông tù”. Nghe nói “nhà lao trong lồng” đã được áp dụng ở Trung Quốc và rất hiệu quả.

Không biết ở ta có nên thực hiện phương pháp này không nhỉ?

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!