Tờ 100 USD “đắt đỏ”

(Dân trí) - Một quyết định xử phạt mà cho đến nay vẫn đang để lại nhiều ý kiến trái chiều, đó là việc anh thợ điện Nguyễn Cà Rê vì cần tiền mà đi đổi 100 USD được người thân tặng tại tiệm vàng Thảo Lực (Ninh Kiều, Cần Thơ) rồi bị phạt tới 90 triệu đồng.

Tờ 100 USD “đắt đỏ” - 1

Căn cứ quy định tại Nghị định số 96 năm 2014 của Chính phủ, việc mua bán 100 USD giữa anh Rê và tiệm vàng Thảo Lực là không đúng. Mức xử phạt 90 triệu đồng cũng nằm trong khung xử lý của Nghị định này (80 triệu đến 100 triệu đồng). Nghĩa là về lý, anh Rê và tiệm vàng kia bị phạt là không bàn cãi.

Quy định thì có lâu rồi, nhưng có lẽ đây là trường hợp đầu tiên một giao dịch nhỏ (đổi 100 USD) mà bị phạt với mức phạt gấp hàng chục lần giá trị giao dịch như vậy xảy ra trên thực tế. Có thể nhiều người phải đến khi theo dõi vụ việc này mới vỡ lẽ ra… lâu nay mình cũng nằm trong số vi phạm mà “may mắn” không bị bắt quả tang!

Thành ra, cũng phải cảm ơn Công an quận Ninh Kiều vì một quyết định gây “sốc” mà khiến hàng triệu người “giật mình bừng tỉnh”! Bởi lúc này người ta mới bắt đầu bỏ thời gian ra để tìm hiểu nơi nào thì được phép và nơi nào không được phép mua/bán ngoại tệ.

Cũng phải đến khi sự việc này xảy ra thì rất nhiều chuyên gia, luật sư mới vào cuộc, cho rằng quy định xử phạt trên cần phải được xem xét lại, phải sửa đổi để phù hợp với thực tế hơn.

Mức phạt 90 triệu đồng với một giao dịch 100 USD là… quá nặng với người bán USD. Trong khi đó, nếu giao dịch có quy mô tới hàng trăm ngàn USD hay 1 triệu USD mà cũng chỉ phạt trong khung 80 triệu đến 100 triệu đồng như vậy thì rõ ràng không có tác dụng răn đe.

Trước đây, không thiếu gì những chuyện bắt trộm gà, vịt rồi trộm bánh mỳ bị xử lý hình sự và nay là anh thợ điện vì tờ 100 USD mà bị phạt đến 90 triệu đồng. Văn bản pháp luật nào trong quá trình soạn thảo cũng được công khai và lấy ý kiến rộng rãi, ấy mà không hiểu vì sao lại để xảy ra những quy định bất cập như vậy?

Sau khi có hiệu lực, biết bao giao dịch “không đúng quy định” cũng đã diễn ra, thậm chí là thực hiện rất công khai, nhưng anh thợ điện kia thì bị phạt còn rất nhiều người khác thì lại không. Thực thi pháp luật trở nên “hên-xui” cứ như… chơi xổ số!

Cũng tương tự như việc người tham gia giao thông có thể cố ý hay vô tình trái luật, nhưng cảnh sát giao thông ngoài việc bắt phạt, điều quan trọng không phải là thu được bao nhiêu tiền mà điều cần thiết là phổ biến quy định luật pháp để người vi phạm hiểu ra được vấn đề, không tái vi phạm.

Chỉ chăm chăm “vạch lá tìm sâu”, soi xét bắt lỗi không với mục đích xây dựng thì xã hội sẽ đáng buồn biết bao!

Ngoài ra, trong sự việc này còn có nhiều vấn đề khiến dư luận không khỏi tò mò: Quyết định khám xét được ký ngày 24/1, nhưng phải 6 ngày sau, tức ngày 30/1 mới bắt quả tang và rồi quyết định xử phạt thì được đưa ra 8 tháng sau đó.

Chưa kể việc cơ quan chức năng tịch thu thêm 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo do không có hoá đơn, chứng từ (vốn không phải là tang chứng của giao dịch 100 USD kia). Điều này gây băn khoăn lớn đối với nhiều người, ngay cả những người am hiểu luật pháp cũng cho rằng không hợp lý.

Và không rõ tiệm vàng Thảo Lực kia kinh doanh có vấn đề gì hay không mà liên tục bị khám xét như vậy? Đây là vấn đề cần sớm trả lời rõ, để dư luận không phải ì xèo, nghi ngờ về “động cơ, mục đích” phía sau…

Bích Diệp