Tin vui về vụ kỉ luật “Mát lòng quan, nát lòng dân”
(Dân trí) - Tin vui, rất vui. Đó là theo PV Dân trí, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình vừa chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành để điều tra, làm rõ tiêu cực ở Hải quan Hải Phòng xung quanh vụ lộ clip người dân, doanh nghiệp phải "bôi trơn" tiền cho cán bộ hải quan mới được hoàn tất các thủ tục nghiệp vụ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Nội vụ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan để kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và doanh nghiệp về một số vụ việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm của người đứng đầu Cục Hải quan Hải Phòng và các đơn vị có liên quan, báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2018.
Mới cách đây ít lâu (25/4), trên mục BLOG Dân trí đã đăng tải bài “Mức kỉ luật làm “mát lòng người bị kỉ luật” nhưng… nát lòng dân!” bày tỏ quan điểm không đồng tình với hình thức xử lý kỉ luật của Cục Hải quan Hải Phòng.
Theo đó ban đầu, 5 cán bộ liên quan trong phóng sự “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” đăng trên báo Lao động “được” Cụ Hải quan Hải Phòng "tặng" cho hình thức rất… nặng nề: Khiển trách. Sau khi bài báo trên đăng tải 2 ngày (27/4), Tổng cục Hải quan quyết định nâng hình thức kỉ luật theo đó 5 người bị cảnh cáo, 5 người bị khiển trách.
Đây là mức kỉ luật làm… “mát lòng người bị kỉ luật” nhưng làm nát lòng dân bởi với hình thức này, kỉ luật cũng gần như… không kỉ luật.
Ngay lập tức, bài viết đã nhận được gần 400 ý kiến (comment) bạn đọc gửi về bày tỏ sự phẫn nộ đối với hình thức kỉ luật “o bế” này. Có ý kiến đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét đối với quyết định vô lý trên.
Rất vui là Chính phủ không chấp nhận điều này và đã trực tiếp vào cuộc.
Nếu (mà có thể khẳng định luôn là chắc chắn) Tổ công tác liên ngành có hình thức kỉ luật cao hơn mức kỉ luật hiện nay, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính không thể không chịu trách nhiệm về thái độ thiếu nghiêm túc bởi trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu xác minh, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tiêu cực.
Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ kỉ luật “biến voi thành kiến”, thậm chí không loại trừ bao che, lấp liếm mà vụ Trịnh Xuân Thanh hay vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh là những ví dụ điển hình.
Với vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Ngô Văn Tuấn lúc đầu cũng chỉ phải nhận kỉ luật mức… khiển trách.
Đã đến lúc cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng “voi hóa kiến”, chỉ khi nào có yêu cầu của cấp trên mới làm nghiêm, làm thật.
Đối với vụ việc tại Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng việc để Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, chỉ đạo và phải cho thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý thì lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan và cả lãnh đạo Bộ Tài chính không thể không có trách nhiệm.
Bùi Hoàng Tám