Tiêu ngân sách kiểu “Xắn tay áo xô đốt nhà táng giấy”

(Dân trí) - Ninh Bình, sau sự kiện đội giá trong việc nạo vét sông Sào Khê 36 lần, từ 72 tỉ đồng lên gần 2.600 tỉ đồng gây “ngỡ ngàng” dư luận, không ít ý kiến cho rằng bờ sông… dát vàng thì giờ đây, lại gây sửng sốt bởi việc xây dựng cổng làng 11 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Tiêu ngân sách kiểu “Xắn tay áo xô đốt nhà táng giấy” - 1

Báo Dân trí cho biết, cái cổng làng khổng lồ, chiều cao 14,2m, cổng chính giữa cao 10,5m, rộng 5,5m, hai cổng phụ hai bên cao 7,6m, rộng 1,4m xây dựng bằng khung cốt thép bê tông với những nét hoa văn cầu kỳ này được xây tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư).

Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thì “Công trình được đầu tư xây dựng với mục tiêu khôi phục, quảng bá làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có từ hàng trăm năm nay. Khi công trình hoàn thành sẽ kết hợp với phát triển du lịch làng nghề nhằm phát triển bền vững kinh tế địa phương”.

Công bằng, với số tiền 11 tỉ đồng nếu như đó là công trình văn hóa, nhằm quảng bá hiệu quả cho thương hiệu làng nghề và để lại cho muôn đời sau thì số tiền đó không phải là quá lớn.

Song, điều đặt ra ở đây là thứ nhất, Ninh Bình có nhiều làng nghề nổi tiếng. Nếu như mỗi làng đều có nguyện vọng như vậy thì ngân sách có đủ để chi cho việc này?

Thứ hai, công trình dự kiến sử dụng ngân sách kết hợp với huy động các nguồn kinh phí từ xã hội. Song cuối cùng, hầu hết đều trông vào túi ngân sách Nhà nước. Trong khi được biết, Ninh Vân là làng nghề nổi tiếng với hàng trăm doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có doanh thu hàng năm rất lớn.

Thế thì tại sao làm cổng làng để “quảng bá cho làng nghề”, tức là mang lại nguồn lợi rất lớn cho doanh nghiệp mà họ lai không tham gia đóng góp (Công bằng, theo lời ông Phó Chủ tịch Hưng thì họ có đóng góp “được mấy ngày công”)? Họ ỷ lại vào nhà nước hay cho rằng cách quảng bá này không hiệu quả?

Thứ ba, Hoa Lư nói riêng, Ninh Bình nói chung vẫn còn là tỉnh nghèo. Nhiều nơi, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, nộp ngân sách còn ở mức khiêm tốn. Việc huy động ngân sách Nhà nước cho một làng nghề giàu có phải chăng là “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”?

Nhớ lại vụ nạo vét sông Sào Khê, một con sông nhỏ, chỗ rộng nhất khoảng 140m, chỗ hẹp nhất chỉ 20m, tổng chiều dài khoảng 14 km. Với số tiền 2.600 tỉ đồng, tức là chỉ riêng việc “đánh phấn tô son”, “phẫu thuật thẩm mĩ” cho dòng sông này đã mất gần 200 tỉ/km?

Trong khi năm 2017, ngân sách toàn tỉnh Ninh Bình thu được khoảng 8.700 tỉ đồng. Điều này có nghĩa là tổng kinh phí dự án nạo vét sông Sào Khê bằng khoảng gần 30% ngân sách của năm 2017.

Có một lý giải khá giống nhau giữa hai công trình là đều “bám” vào yếu tố lịch sử. Nếu việc nạo vét sông Sào Khê được “vịn” bởi lý do nơi đây hơn 1.000 năm trước, Vua Lý Thái Tổ xuống thuyền dời đô thì ở Ninh Vân, được “vịn” bởi làng nghề truyền thống hàng trăm năm.

Lịch sử rất đáng trân quý nhưng nếu “vin” vào lịch sử mà tiêu pha tiền ngân sách kiểu “Xắn tay áo đốt nhà táng giấy” như thế này thì nước còn nghèo, dân còn khổ.

Đó là chưa kể không biết ở những công trình này, đặc biệt là công trình đội vốn 36 lần, “cánh đồng hoa hồng, hoa đồng tiền” có nở rộ hay không mà nhiều người “mê” các công trình kiểu này đến thế?

Bùi Hoàng Tám