Tiền thuế của dân, không phải lá rừng để ném qua cửa sổ

(Dân trí) - Anh đi học lấy kiến thức cho anh, sao lại lấy ngân sách nhà nước mà cụ thể là lấy tiền thuế của dân để trả cho khoản học phí này? Hãy hoàn trả lại số tiền 386 triệu đồng cho ngân sách. Đó là tiền mồ hôi nước mắt, không phải lá rừng để ném qua cửa sổ…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện bằng giả, bằng “mượn” ở ta thời nay không hiếm, thậm chí rất phong phú và đầy… sáng tạo.

Cách đây chưa lâu, Tỉnh ủy Hậu Giang phát hiện ra ông Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Lê Thành Nhân “sáng tạo” ra hình thức… “mượn bằng”.

Ông Nhân đã “mượn” cái bằng Trung học cơ sở (cấp II) của người cùng họ, cùng tên, chỉ khác mỗi tên đệm là Hoàng (Lê Hoàng Nhân) để theo học hệ Bổ túc phổ thông nhằm “nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ” như lời giải trình của ông Nhân với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang và cho rằng việc “mượn” này chỉ là “do suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn, cứ nghĩ “mượn” bằng cấp 2 là đơn giản”.

Gần đây, trong bài “ Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Định khai học tiến sĩ chính quy” - báo Tuổi trẻ ngày 28/7 cho biết , một bác quan chức to, rất to của tỉnh Bình Định cũng “xài nhầm” một cái bằng cũng rất oách. Đó là ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định sử dụng bằng tiến sĩ không được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận.

Ông Phó Bí thư Toàn đã làm nghiên cứu sinh tiến sĩ quản lý giáo dục do Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) và Trường ĐH Bulacan State (Philippines) tổ chức theo hình thức đào tạo bán du học, quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội mỗi tháng bốn ngày, bảo vệ đề tài tại Philippines trong 10 ngày trong thời gian 2 năm (từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2013). Không biết Bộ Giáo dục & Đào tạo không công nhận vì lý do gì nhưng chỉ nhìn thấy thời gian học, đã thấy đây là hình thức… siêu siêu tốc bởi mỗi tháng học 4 ngày X 12 tháng X 2 năm cộng với 10 ngày bảo vệ, vị chi tất tần tật chỉ có vẻn vẹn… 106 ngày, tức là ba tháng rưỡi. Ba tháng rưỡi, cho ra lò một mẻ tiến sĩ thì khác gì giống lúa… ngắn ngày.

Thực ra, việc ham học là tốt, rất tốt. Nhất là đối với những vị cán bộ chủ chốt, có chức, có quyền cao. Nó không những trang bị kiến thức cho cá nhân họ mà còn là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Thế nhưng khốn nỗi ở đây, cái “bằng dởm” này lại được “trả” với cái giá 386 triệu đồng được trích từ ngân sách nhà nước.

Điều này đặt ra câu hỏi, tại sao anh đi học lấy kiến thức cho anh, nếu anh làm tốt, anh sẽ nhanh chóng được thăng tiến, nhanh chóng được lên lương, nhanh chóng… hoàn vốn. Sao lại lấy ngân sách nhà nước mà cụ thể là lấy tiền thuế của dân để trả cho khoản học phí này?

Điều thứ hai, tại sao một số cán bộ lại có “đặc lợi” này mà không thuộc về những người nghiên cứu chuyên môn thuần túy khác?

Trở lại với việc của bác Lê Kim Toàn, dù Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận hay không công nhận thì bác ấy đã học rồi. Hãy để tấm bằng của bác ấy giữ làm kỉ niệm.

Chỉ xin một điều, hãy hoàn trả lại số tiền 386 triệu đồng cho ngân sách. Đó là tiền đóng thuế của dân, tiền mồ hôi nước mắt nên không ai có quyền đem số tiền đó đi “mua” bằng cấp cho mình, nhất là một khi, đó lại là bằng “dởm”.

Hãy nhớ lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ tuyên thệ: “Chúng ta cần có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”.

Tiền thuế của dân vốn nhiều mồ hôi, nước mắt, không phải lá rừng để ném qua cửa sổ, muốn tiêu gì thì tiêu, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám