Tiến sĩ Đinh Văn Minh và tôi đều… sai bét!
(Dân trí) - Nói họ “ăn 1 phá 10” như TS Minh và “ăn 1 phá hơn 80” của tôi đều sai bét bởi mất niềm tin là mất tất cả, nó không chỉ phá hoại môi trường đầu tư mà còn hủy hoại nền tảng đạo đức của một chính thể...
Mới đây, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ đã trả lời rất hay một số báo như Vietnam Net, Người Lao động TP HCM… về nghi án đưa và nhận hối lộ tại Bắc Ninh vừa qua.
Chuyện TS Đinh Văn Minh trả lời phỏng vấn hay không lạ mà không hay mới lạ bởi ông thường rất dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình qua cái nhìn thấu đáo và thẳng thắn của một nhà khoa học.Tôi quen TS Minh cách đây dễ gần 20 năm, khi ông còn là Viện phó Viện Khoa học Thanh tra.
Nhớ lại năm 2006, đúng khi Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực thì cũng là thời điểm vị Tổng Thanh tra đồng thời cũng là tác giả của Dự thảo luật này bị thuộc cấp tố nhận phong bì hàng trăm triệu đồng của họ đưa.
Trước thông tin đó, tôi đã phỏng vấn TS Minh cho bài viết “Ngành Thanh tra rung động trong “cơn bão phong bì”!”, báo Dân trí đăng ngày 24.7.2006, đường link: (https://dantri.com.vn/xa-hoi/nganh-thanh-tra-rung-dong-trong-con-bao-phong-bi-1153783570.htm).
Bài viết được đông đảo bạn đọc quan tâm, nhiều tòa soạn đã đăng tải lại. Mới đó, đã 14 năm rồi…
Trở lại với cuộc trả lời phỏng vấn của TS. Minh mới đây nói trên, ông đã phân tích rất hay, rất khoa học về thực trạng đưa và nhận hối lộ ở Việt Nam ta.
Song, riêng nhận xét về nghi án đưa và nhận hối lộ ở Bắc Ninh của Công ty Tenma (Nhật) và một số cán bộ ở đây thì tôi chưa hoàn toàn đồng ý.
“Tất nhiên bây giờ, chúng ta chưa khẳng định được điều gì nhưng nếu nghi ngờ đó là sự thật thì tệ quá, vì “ăn 1, phá 10”.
Nếu nghi vấn trên được xác nhận là sự thật thì cán bộ, công chức nhận hối lộ khoảng dăm tỉ đồng, nhưng nhà nước mất hàng trăm tỉ. Ở nước ngoài, người ta thường phân biệt giữa “lấy”, và “phá”, ở Việt Nam qua một số vụ việc cho thấy “phá để lấy”. Ông Minh nói.
“Phá để lấy” thì kinh hoàng thật nhưng đó lại là sự thật!
Cho nên, về ý “Ở nước ngoài, người ta thường phân biệt giữa “lấy”, và “phá”, ở Việt Nam qua một số vụ việc cho thấy “phá để lấy” thì tôi đồng ý 101% nhưng ý “nếu đó là sự thật thì tệ quá, vì “ăn 1, phá 10” thì tôi chưa đồng ý.
Bởi chỉ tính riêng về vật chất, chỉ vì 5 tỉ đồng bỏ túi cá nhân, họ thẳng tay ném đi 417 tỉ đồng tiền nước mắt, mồ hôi của dân, của nước.
Nếu tính tỉ lệ theo toán học, họ không chỉ “ăn 1, phá 10” mà “ăn 1 phá hơn 80” TS. Minh ạ.
Đó là chưa kể, nó phá hoại môi trường đầu tư một cách khủng khiếp. Trong khi, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang làm mọi cách để “đón đại bàng” sau đại dịch Covid 19 thì đại bàng chưa thấy đâu, đã thấy lũ “kền kền” chỉ chực chờ ăn tươi, nuốt sống.
Cho nên, nói họ “ăn 1 phá 10” như TS Minh và “ăn 1 phá hơn 80” của tôi đều sai bét bởi mất niềm tin là mất tất cả, nó không chỉ phá hoại môi trường đầu tư mà còn hủy hoại nền tảng đạo đức của một chính thể, phải không các bạn?
Và có một điều, tôi mong mình sai, đó là tôi sợ vụ việc lại chìm xuồng với câu hỏi “chứng cứ đâu” để rốt cục, sẽ là bài ca “phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm…”.
Bùi Hoàng Tám