Nhận vơ có tội, chuyện tưởng lạ hóa ra không lạ!
(Dân trí) - Không có tội, tự nhận mình có tội. Chuyện tưởng lạ mà hóa ra không lạ bởi nó đã từng xảy ra ngay tại Việt Nam cách đây chưa lâu…
Chuyện “nhận vơ có tội” vừa mới xảy ra, nó là như thế này.
Theo báo Dân trí, “ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma - Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng công ty TNHH Tenma Việt Nam (một công ty con của hãng) tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh đã hối lộ một số cán bộ của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng)” nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế”.
Được biết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương báo cáo đồng thời giao cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính thành lập ngay đoàn thanh tra trong ngày 25/5 để thanh tra Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan .
Chuyện “đầu thú” với người Nhật thì không lạ nhưng với người Việt ta, nhất là cán bộ công chức thì là sự lạ bởi từ xưa đến nay, theo tôi được biết, chưa có vụ nào tương tự cả.
Song, với người Nhật thì ít nhất, đây là lần thứ hai, họ làm việc này.
Cách đây 5 năm (2015), trên Dân trí đăng tin, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) thừa nhận hành vi đưa hối lộ trong cuộc thẩm vấn với cơ quan điều tra Tokyo.
Tờ Yomiuri cho biết, ông này khai là để đổi lấy một gói thầu dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ yen, công ty đã "lại quả" cho quan chức 80 triệu yen (tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Vụ này sau đó, 6 đối tượng là cán bộ ngành Đường sắt bị tòa án Việt Nam tuyên tổng số 52 năm tù.
Trở lại với vụ việc mới đây, bài báo trên cho biết khoản “phí điều chỉnh” trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần.
Lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị gia tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên). Kết quả, công ty này đã được miễn tất cả số tiền 400 tỷ đồng trên.
Lần thứ hai, tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên).
Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng để được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).
Lẽ đương nhiên, với cáo buộc này, dù có hay không thì cán bộ Bắc Ninh cũng chối với rất nhiều lý lẽ.
Do sự việc chưa có kết luận từ phía Việt Nam nên người viết bài này không dám nói có hay không mà chỉ thấy là lạ.
Ấy là người đất nước nào, dân tộc nào cũng thế thôi, chả lẽ bỗng dưng đang yên, đang lành, chẳng có tội, có lỗi gì lại đùng đùng tự nhận mình… có tội để rồi chịu tội?
Còn nếu sự việc xảy ra đúng như những gì báo chí nêu thì quả là quá đáng sợ bởi ở cả 2 lần, chỉ vì 5 tỉ đồng bỏ túi cá nhân, họ thẳng tay ném đi 417 tỉ đồng tiền nước mắt, mồ hôi của dân, của nước.
Chắc rằng cũng giống như vụ Đường sắt cách đây 5 năm, Cơ quan Công an sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không.
Về suy nghĩ cá nhân, người viết bài này hơi… nghi nghi bởi luật pháp nước Nhật nghiêm lắm, báo chí Nhật khó có thể đăng sai vì phải trả giá rất đắt.
Còn nếu có chuyện hối lộ xảy ra như báo chí nêu thì họ không chỉ “Ăn không từ thứ gì” mà còn “bán không từ giá nào”, “còn cái lai quần cũng bán” miễn là có tiền bỏ túi cá nhân.
Nếu đúng như vậy, không thể không thốt lên: Lũ lòng lang, dạ sói!
Bùi Hoàng Tám