Tiền chìm, tiền nổi...

Bích Diệp

(Dân trí) - Hơn 10.000 tỷ đồng giao dịch hòng trốn thuế của một tiệm vàng. Tôi đã phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần "tít" báo để xác nhận, chính là con số đó các bạn ạ, hơn 10.000.000.000.000 đồng (có 14 chữ số)!

Không rõ là các chủ doanh nghiệp có cảm thấy chạnh lòng không khi đọc được thông tin này trên báo.

Đơn vị bị điều tra dấu hiệu trốn thuế vì không xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế đối với số vàng giao dịch giá trị cả chục nghìn tỷ đồng nói trên là Doanh nghiệp tư nhân Tiệm vàng Phước Nguyên ở TP Long Xuyên do Nguyễn Thanh Bình làm đại diện theo pháp luật.

Vụ án trốn thuế này vốn có liên quan đến vụ buôn lậu vàng từ Campuchia vào địa bàn tỉnh An Giang mà báo chí đã đăng tải trước đó. Ngày 10/1, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đinh Văn Nơi (thời điểm đó là Giám đốc Công an tỉnh An Giang), các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình và Trang Kiến Cường đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu và đô la.

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ tang vật gồm 3 kg vàng 9999 (nhập lậu từ Campuchia), gần 190.000 USD và 700 triệu đồng. Công an đã khám xét tiệm vàng Phước Quang (TP Long Xuyên) cùng 2 địa điểm khác có liên quan đến Nguyễn Thanh Bình và Trang Kiến Cường. Qua đó, thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, khoảng 2,2 triệu USD, gần 26 tỷ đồng và một số giấy tờ, điện thoại di động có liên quan.

Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và như vậy, các con số có thể còn tăng.

Tiền chìm, tiền nổi... - 1

Số ngoại tệ công an thu giữ trong lúc khám xét (Ảnh: Nghiêm Túc).

Đại tá Đinh Văn Nơi trong 20 tháng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Công an tỉnh An Giang được ví như "khắc tinh" của các loại tội phạm ở đây. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nơi, lực lượng Công an tỉnh An Giang đã triệt phá hàng loạt đường dây tội phạm, bắt giữ nhiều tay giang hồ cộm cán, khét tiếng tại địa phương.

Người ta vẫn còn nhớ lúc mới nhận nhiệm vụ, ông khẳng định đanh thép trước báo giới rằng: "Tất cả các loại tội phạm đều phải bị xử lý như nhau. Cá nhân tôi không ở địa phương này, không có người thân quen và không có "sân trước, sân sau" hay lợi ích kinh tế gì ở đây nên trong công tác xử lý tội phạm sẽ luôn triệt để và công tâm".

Sau khi triệt phá một đường dây lô đề hơn 2.000 tỷ đồng, ông cũng tuyên bố: "Trong vụ việc này, chúng tôi sẽ điều tra đến nơi đến chốn. Cán bộ, đảng viên có liên quan sẽ bị xử lý theo quy định, không có ngoại lệ. Nếu vi phạm về mặt hình sự thì sẽ tiến hành khởi tố hình sự, nếu vi phạm về Đảng thì sẽ xử lý về mặt Đảng".

Cách đây vài ngày, cộng đồng mạng chia sẻ clip phát biểu của ông, trong đó ông cho biết, càng những đường dây, tổ chức nào được cán bộ "bảo kê", là "sân sau" của lãnh đạo thì ông càng cho điều tra xử lý.

Là một người dân, tôi không khỏi cảm kích với thái độ cứng rắn, kiên quyết đó của vị lãnh đạo công an này, dù những gì mà ông làm nhẽ là điều đương nhiên, là trách nhiệm vốn có mà Đảng, Nhà nước đã giao cho lực lượng công an nhân dân.

Từ những vụ phá án thành công của Đại tá Nơi, người dân cũng đặt câu hỏi về những trường hợp khác ở những địa phương khác. Liệu số lượng giao dịch trốn thuế, số lợi ích thu được của các nhóm tội phạm và một bộ phận cán bộ tham nhũng, tha hóa biến chất, bảo kê cho tội phạm… (chưa được phát hiện) sẽ như thế nào? Có bao nhiêu tiền chìm, tiền nổi trong khối tài sản của các đại gia và một bộ phận cán bộ chức sắc.

Đặc biệt là ở thời điểm này, khi giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu leo thang, có sự chênh lệch giữa các quốc gia trong cùng một khu vực thì hoạt động buôn lậu xuyên biên giới sẽ lại càng nóng rẫy. Vừa mới đây thôi, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã triệt phá đường dây buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng trị giá gần 2.900 tỷ đồng - cũng là những con số gây choáng váng.

Bên cạnh đó là những chiêu trò như giao dịch chui, chỉnh sửa số liệu tài chính để kê khai lỗ, thành lập công ty ma mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, các hoạt động giao dịch liên kết,… nhằm tránh thuế, trốn thuế cũng trở nên phổ biến.

Theo cơ quan thuế, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 lên tới 45.332 tỷ đồng, trong đó không loại trừ cả những doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm, thậm chí là doanh nghiệp niêm yết!

Khi mà kinh tế đất nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn sau đại dịch, khi người dân và các doanh nghiệp chân chính cần sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước, thì việc triệt phá những đường dây làm ăn phi pháp, đánh trúng vào những ổ nhóm tham nhũng… chẳng những chống thất thoát cho ngân sách mà còn làm trong sạch môi trường sống, môi trường kinh doanh và củng cố niềm tin của người dân.

Tiền thuế là để phục vụ đất nước, nhân dân, để đảm bảo công bằng xã hội - chứ không thể để một số nhóm lợi ích ăn chia thậm thụt.