Chảy máu tiền thuế

Dự đoán Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam nhưng ngành thuế hiện chưa thu được đồng thuế nào và cũng chưa có chế tài xử phạt trường hợp này.

Năm 2019, Tổng cục Thuế từng thanh tra và phát hiện một cá nhân nhận thu nhập từ Google với số tiền 41 tỷ đồng do cung cấp dịch vụ  quảng cáo cho Google trên phần mềm ứng dụng trò chơi, nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Sau khi mời lên làm việc, đoàn thanh tra đã truy thu số tiền thuế, tiền phạt và chậm nộp hơn 4 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, số liệu của một công ty quảng cáo thu thập được cũng chỉ ra: mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại VN ước đạt 550 triệu USD/năm. Tính chung cả Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018 với doanh thu hơn 387 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỷ đồng. “Doanh thu cao nhưng số thuế thu được từ 2 gã khổng lồ này khá nhỏ giọt”- Thời điểm đó, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM từng cho biết.

Rút kinh nghiệm lần này với quan điểm “siết” chặt hơn các tài khoản  mới đây, trong năm 2020 này, Tổng cục thuế vừa  triển khai một đợt thanh kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).  Hiện tượng “chảy máu tiền thuế” xuyên quốc gia được ngành thuế phát hiện vẫn tiếp tục ken dày.

Với đặc thù những mô hình kinh doanh này hầu hết thông qua hình thức thanh toán trực tuyến, thẻ hoặc tài khoản, đại dịch COVID-19 khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn, làm việc online nhiều hơn, nhu cầu mua sắm tiêu dùng trực tuyến  cũng vì thế mà tăng vọt hơn.

Không chỉ các mạng xã hội Facebook, Youtube, Google “nở rộ” kiếm tiền trong đại dịch, mà như tại Việt Nam, kênh truyền hình trực tuyến của Mỹ - Netflix cũng “hút” khách hàng với tổng số thuê bao trả phí liên tiếp tăng trưởng. Đến nay với dự đoán được cho rằng đã đạt trên 300.000 thì tính ra, đến nay Netflix cũng thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, với việc thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí, đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng hiển nhiên là ngành thuế hiện chưa thu được đồng thuế nào và cũng chưa có chế tài xử phạt trường hợp này.

Ngày càng có nhiều cá nhân với trí tuệ, năng lực sáng tạo kiếm được thu nhập từ Youtube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như Playstore, Appstore. Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Như vậy, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, Youtube... được xếp là cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo tỷ lệ 5% VAT và 2% thuế TNCN.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Nếu không thu, ngoài thất thu ngân sách, còn tạo ra sự bất bình đẳng khi những  doanh nghiệp bán hàng qua mạng giảm được chi phí lớn, tạo lợi thế cạnh tranh về giá không lành mạnh với các doanh nghiệp .

Thất thu thuế, trốn thuế của nhiều cá nhân, tổ chức  là vấn đề không mới nhưng "chảy máu tiền  thuế" xuyên quốc gia với các hình thức thanh toán trực tuyến tinh vi, khó kiểm soát sẽ là thách thức. Để quản lý, thu đúng, thu đủ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, dịch vụ trực tuyến,...  đòi hỏi cơ quan quản lý cần có sự  phối hợp đa ngành như với Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc xác định nhân thân của người nộp thuế.

Đồng thời, việc thu thập dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền cũng đòi hỏi mức độ quyết liệt hơn. Có vậy, mới hi vọng trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch COVID -19 này, ngân sách Nhà nước mới không có nguy cơ  mất đi những khoản thu chính đáng.      

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm