Thưa Thủ tướng, họ đã và đang nã “đại bác” vào quá khứ!
(Dân trí) - Khó có thể nói khác về việc đình Lương Xá, Liên Bạt, Ứng Hòa, một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 với kiến trúc tuyệt đẹp, trình độ điêu khắc tinh tế vừa bị phá đi để xây vào đó một công trình kiến trúc bê tông.
Theo báo An ninh Thủ đô ngày 31.7 cho biết “Đình Lương Xá bao gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái, Hậu cung cùng sân tường bao quanh. Việc xây dựng đã hạ giải toàn bộ Đại bái, Hậu cung. Vị trí trước đây là đình cũ với kiến trúc gỗ được thay thế hoàn toàn bằng kết cấu bê tông. Hiện đã dựng cột, bộ vì và đang hoàn thiện phần mái. Các cấu kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hiện vật chất liệu gỗ được tập kết lưu giữ tại sân và nhà kho- nhà văn hóa thôn Lương Xá”.
Bài báo còn cho biết, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu đình chỉ hoạt động xây dựng vi phạm Luật Di sản Văn hóa đồng thời “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Đọc những thông tin trên, không khỏi thở dài bởi mấy lẽ.
Thứ nhất, thế là xong. Số phận của một công trình kiến trúc cổ giàu tính nghệ thuật đã mất. Có thể rồi đây, nó được phục hồi thì cũng chỉ như một mệnh phụ được “giải phẫu thẩm mỹ”. Cái vẻ đẹp của thời gian đã vĩnh viễn ra đi.
Thứ hai, lại những ngôn từ quen thuộc đến nhàm chán “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan”. Chao ôi! Đợi đến lúc “làm rõ” với “xử lý” thì tất cả đã kết thúc. Số phận ngôi đình đã xong.
Thứ ba, đây không phải là lần đầu và thứ tư, đau xót là cùng thời điểm này (27/7), tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.
Và chỉ đạo “tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù chỉ là một phần cũng chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.
Vâng, thưa Thủ tướng, ở đây họ không chỉ “bắn súng” mà “nã đại bác” vào quá khứ.
Và buồn thay, lại câu hỏi cũ. Đó là vì sao những việc như thế này vẫn tái diễn? Nguyên nhân thì nhiều, song có một lý do quan trọng nhất, đó là hình thức kỉ luật với người đứng đầu chưa nghiêm. Rồi lại điệp khúc “bài học”, “rút kinh nghiệm”…
Đình phá rồi, chết hẳn rồi, bị “bức tử” rồi, còn gì nữa mà “học” với “hành”, mà “rút” với “rít”?
Để chấm dứt tình trạng này, có lẽ đã đến lúc phải cách chức lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm.
Một khi phải trả bằng “cái ghế” của mình, chắc chắn nhiều người sẽ thật sự “rút” được kinh nghiệm còn nếu không, những cuộc “nã đại bác” còn kéo dài, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám