“Thế này thì chết!”, vì sao?

(Dân trí) - Từ những lời than “Ngành đường sắt cứ "bình thản" thế thì chết!” (Dân trí, ngày 5.1) và những câu hỏi đại loại “Đường sắt giá vé đắt hơn hàng không thì ai đi?“ (LDO ngày 5.1) của Bộ trưởng Bộ GTVT, dư luận thấy rất cần một loạt câu hỏi cần đặt ra với ngành này và cả Bộ GTVT.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đúng với tính cách quyết liệt của mình, khi chỉ đạo Tổng Công ty (TCty) Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thẳng: “Lâu nay ngành đường sắt mắc căn bệnh “cố hữu” là hài lòng với những việc mình đang làm, hài lòng rồi tức là đã hết động lực để cố gắng và phát triển. Trong tư duy của ngành đường sắt tôi hình dung ra sự bình thản với những bản báo cáo và con số. Thế này thì chết!”

Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo tôi nhớ, có lẽ chưa bộ trưởng nào nói quyết liệt, ngắn gọn trước khi kết luận “thế này thì chết!” như Bộ trưởng Thăng. Nhưng dư luận còn hài lòng hơn trước sự quyết liệt, bức xúc rất thật của ông : “Đường sắt có nhiều tin đồn, nay đồn người này đi, mai lại đồn người kia đi… Mà đồn hẳn là lên Bộ làm lãnh đạo. Tôi là lãnh đạo cao nhất ngành mà không biết ai đi ai về, vậy mà ở đường sắt thì cứ rỉ tai nhau, đồn thổi suốt… Rõ ràng thế là không tốt, nội bộ chưa ổn định. Đã nhiều tin đồn thì không tập trung làm việc được...”

Dù rằng, mới khoảng một năm rưỡi trước vừa thay Tổng giám đốc Tcty này. Theo quyết định bộ nhiệm của Bộ trưởng Thăng, ngày 1.6.2014, ông Vũ Tá Tùng nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc. Còn người tiền nhiệm bị miễn nhiệm được Bộ trưởng Thăng đưa ra lý do đơn giản, rõ ràng: “Anh Nguyễn Đạt Tường là người rất tốt, đạo đức trong sáng nhưng công việc anh làm không tốt nên tôi buộc phải thay anh. ”(theo Báo Người đưa tin, ngày 4.6.2014)

Vậy thời gian gần 2 năm qua liệu đã đủ dài để cho thấy sự trì trệ này đâu vẫn hoàn đấy?

Chúng ta thử điểm lại những gì ngành này làm được trong từng ấy thời gian. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng phải thốt lên: “Tôi nghe báo cáo mà thấy buồn lắm! Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn là đơn vị chủ lực mà cả năm lãi được 5 tỷ đồng, phấn đấu tăng lên 10 tỷ đồng trong năm 2016. Toàn Tổng Công ty Đường sắt to như thế mà cả năm chỉ thu lãi được 65 tỷ đồng và phấn đấu tăng lên được 69 tỷ vào năm 2016... Thế này thì bao giờ đường sắt mới cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác? Bao giờ đường sắt mới phát triển được?”

Trong tình hình làm ăn bết bát như vậy, một loạt câu hỏi cần được đặt ra.

Thứ nhất, lương, thưởng của các lãnh đạo Tcty, các Cty và các xí nghiệp thành viên như thế nào sao lại không được đề cập đến?

Thứ hai, việc quản lý, mua sắm các trang thiết bị có bị thất thoát hay không, đã có sự thanh kiểm tra nghiêm túc chưa?

Thứ ba, có hay không các “doanh nghiệp người nhà” làm vệ tinh mua sắm thiết bị cho các đơn vị thành viên?...

Mặt khác, nếu được so sánh tổng số lãi 60 tỉ đồng/ năm với tổng mức đầu tư khổng lồ của nhà nước cho đơn vị này thì sẽ thấy rõ hơn cái gọi là “làm, ăn” của Tcty này.

Đáng chú ý là, nếu như tình hình chung tai nạn giao thông giảm, thì chỉ riêng ngành đường sắt năm 2015  lại tăng rất cao ở cả 3 tiêu chí. Chính vì vậy, Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Mặc dù có nhiều nguyên nhân xảy ra tai nạn, nhưng nếu ta quan tâm thì tai nạn chắc chắn sẽ giảm đi”.

Mà một trong nhưng nguyên nhân tai nạn tăng là các rào chắn tự động đường ngang dân sinh vẫn chưa triển khai, dù kế hoạch phải hoàn thành tháng 12.2015! Và nghe cách giải thích về tình trạng này, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự thờ ơ. Thờ ơ cả từ Tcty và của vụ chức năng. Đó là điều không thể chấp nhận trước những tai nạn thương tâm tăng trong năm qua.

Nổi tiếng là người nói thẳng và quyết liệt trong hành động, trong một thời gian không dài, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khiến hệ thống giao thông đường bộ có một diện mạo hoàn toàn mới. Liệu lần này, có cần không việc thay đổi nhân sự để thái độ “bình thản”, những căn bệnh “cố hữu” của ngành đường sắt Việt Nam không còn nữa?

Vương Hà