Thầy cô ơi, sao cứ mãi phải nghèo?
(Dân trí) - Khi viết bài này, tôi cứ trăn trở mãi: Khi hôm nay chúng ta cứ mãi nói về sinh viên sư phạm thất nghiệp, thừa biên chế giáo viên, liệu rồi 5 năm, 10 năm nữa, chất lượng giáo viên sẽ đi đâu về đâu nếu ngay từ khâu thi đầu vào, lớp trẻ vẫn còn chậc lưỡi “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?
Một cô giáo năm nay nghỉ hưu, trước khi chào tạm biệt bục giảng và học sinh, cô vinh dự lên nhận danh hiệu giáo viên chủ nhiệm xuất sắc. Cả trường chỉ có 2 suất. Phần thưởng giành cho sự tận tâm và công hiến của cô trong năm cuối cùng của sự nghiệp giáo dục là 1 bó hoa và 1 phong bì, trong phong bì có 30.000 đồng chẵn.
Cô nói với người viết rằng, đây là mức thưởng phổ biến trong nhiều năm nay ở mái trường mà cô gắn bó non 3 thập kỷ. Gọi là tiền thưởng nhưng mang giá trị động viên tinh thần là chính. Và cô tin rằng, ở nhiều trường, nhiều nơi khác cũng như vậy. Ngành sư phạm vốn nhiều khó khăn.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn để được gắn bó với nghề với nghiệp, được ổn định giảng dạy suốt nhiều năm tại một ngôi trường như cô Hoa. Khi mà hàng nghìn cử nhân sư phạm “quá tải” không thể tìm được việc làm, khi mà biên chế mỗi ngày một thu hẹp, rất nhiều thầy cô giáo vẫn phải bám trụ ở các trường công với danh phận “giáo viên hợp đồng”.
Mà giáo viên hợp đồng lên lớp mỗi tiết 21.000 đồng. Với định biên số tiết ở cấp trung học cơ sở không quá 19 tiết mỗi tuần thì số tiền nhận được mỗi tháng tầm 1.596.000 đồng. “Nhưng không phải lúc nào giáo viên hợp đồng cũng được bố trí tối đa số tiết quy định mà thảnh thơi khoảng 16, 17 tiết mỗi tuần. Vậy nên tiền lương mà họ nhận được chưa tới một triệu rưỡi”.
Đọc những chia sẻ của tác giả Nguyễn Thuỳ trên Dân Trí ngày 2/8 hẳn không ít người sẽ sửng sốt: Một triệu rưỡi thì làm sao sống nổi? Mức lương này thậm chí còn không bằng phần lớn người lao động phổ thông và thua xa lương của người công nhân kiếm được trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thậm chí, ở vùng nông thôn, miền núi, các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp có trường hợp còn phải “tăng gia sản xuất” bằng trồng rau, bắt cá, có người phải làm ruộng, làm thợ xây….
Sự thực đẫm nước mắt ấy đã buộc không ít thầy, cô giáo phải rời bỏ công việc mơ ước của mình, để rẽ ngang vào đội ngũ thất nghiệp, lao động tự do, lao động không chính thức.
Trong khi những người ở lại, cứ mỗi đợt có sắp xếp lại biên chế, hợp đồng lại thấp thỏm lo âu, lo bị rơi vào cắt giảm, lo bị luân chuyển, điều động. Áp lực về thành tích theo đó cũng đeo bám tâm trí thầy cô bởi bất cứ một lý do nào về năng lực cũng có thể khiến họ bị sẩy chân khỏi bục giảng mình đang đứng.
Thế rồi từ đó mới lại xảy ra tiêu cực “chạy biên chế”, “chạy hợp đồng”, “chạy thành tích”, “chạy luân chuyển”… Với mức lương chỉ vài ba triệu đồng mỗi tháng, họ phải “nhịn sống” mấy tháng liền mới đủ tiền “chạy”. Chưa nói đến chất lượng giáo dục học sinh bị ảnh hưởng mà những câu chuyện buồn ấy cũng khiến hình ảnh về một nghề cao quý như nghề giáo bị ảnh hưởng và bị giảm uy tín đi rất nhiều.
Đầu năm nay, câu chuyện 500 giáo viên ở Đắk Lắk rơi vào nguy cơ mất việc khiến dư luận xôn xao, mới thấy vấn đề tuyển dụng viên chức, sắp xếp biên chế trong ngành giáo dục như thế nào.
Khi viết bài này, tôi cứ trăn trở mãi: Khi hôm nay chúng ta cứ mãi nói về sinh viên sư phạm thất nghiệp, thừa biên chế giáo viên, liệu rồi 5 năm, 10 năm nữa, chất lượng giáo viên sẽ đi đâu về đâu nếu ngay từ khâu thi đầu vào, lớp trẻ vẫn còn chậc lưỡi “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?
Bao nhiêu dự án hàng nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế, liệu có thể đưa đất nước phát triển bền vững dựa trên một nền tảng giáo dục mà những bàn tay “trồng người” không thể sống nổi với đồng tiền lương của họ?
Bích Diệp