Thất thoát, lãng phí hay tham nhũng giấu mặt

(Dân trí) - Trả lời chất vấn về thất thoát lãng phí của các công trình đầu tư công của đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định thất thoát là có thật, nhưng chưa có số liệu chính xác và chưa có nghiên cứu toàn diện để biết thất thoát bao nhiêu phần trăm.

 

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thực ra, dù Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có khẳng định hay không thì cử tri cũng đã khẳng định rồi, nhưng nói trước diễn đàn Quốc hội cho nó minh bạch, công khai. Ít ra thì cũng không phải nói vòng vo, né tránh mất thì giờ của cử tri theo dõi.

Dùng từ thất thoát, lãng phí là vì chưa bắt tận tay được tham nhũng.

Xây dựng các công trình công là cơ hội cho tham nhũng, đây là miếng bánh béo bở nhất cho quan tham. Thất thoát trong đầu tư xây dựng các công trình công khó có thể nói chính xác là bao nhiêu phần trăm, bởi vì làm gì có quy chuẩn cho tham nhũng, làm gì có mực thước cho lòng tham. Rút ruột công trình là thủ đoạn biến hóa khôn lường, mưu sâu kế hiểm, bất chấp mọi giá trị đạo đức. Gặp cơ hội là thổi tổng vốn đầu tư lên thật cao để “cắt nửa vầng trăng”, thậm chí cao hơn. Không thổi giá trị đầu tư cao ngất được thì rút ruột vài chục phần trăm. Nếu công trình ngàn tỉ mà chỉ cắt 10% thì ít nhất cũng có cả trăm tỉ đồng.

Cứ mở mắt mà xem, việc gì giao cũng khó khăn, nhưng nhận trách nhiệm xây dựng công trình công thì hăng hái vô cùng. Cả nước “thi đua” xin xây dựng công trình nghìn tỉ đồng, chục nghìn tỉ đồng cho thấy sự nhiệt tình sâu sắc đó. Chỉ cần làm xong tòa nhà nghìn tỉ đó, thì chí ít cũng rung đùi hạ cánh, hết vinh thân cũng còn lại phì gia.

Thát thoát, lãng phí hay là tham nhũng giấu mặt không phải chỉ khi thực hiện xây dựng có xi măng, có sắt có thép, mà ngay từ các khâu thiết kế. Mới đây thôi, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải rà soát 68 dự án, đã giảm được vốn đầu tư xuống so với ban đầu là 57.242 tỉ đồng. Bằng động tác rà soát kỹ lưỡng, đưa tất cả các chi phí về với giá thực, việc thực, đã tiết kiệm được cho nước cho dân một núi tiền.

Nếu không thì số tiền 57.242 đồng sẽ đi về đâu?

Từ con số của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, mới thấy lo cho đất nước, bởi vì còn biết bao nhiêu công trình xây dựng bị vẽ vời hoa lá để tiêu tiền, nhưng không có bàn tay “rà soát” để hạn chế tối đa các cơ hội của tham nhũng. Điểm lại, đã có công cụ gì để chống cho được đại nạn này. Đấu thầu ư! Khi đã cố tình tham nhũng thì việc tổ chức một cuộc đấu thầu để hợp thức hóa cho các đối tác tay trong tay ngoài chẳng có gì khó khăn.

Các biện pháp hành chính và quy định pháp luật chặt chẽ góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí trong xây dựng công trình công, nhưng hiệu quả của nó rất thấp. Chỉ có cách duy nhất, đó là xây dựng được bộ máy gồm những người công chính thì mới khắc chế được sự bất chính.

Nhưng than ôi! Tìm người công chính khó quá.

Lê Chân Nhân