1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ai là lâm tặc thật sự trong vụ lật xe thảm khốc?

(Dân trí) - “Gỗ trên xe là gỗ lậu. Số gỗ này thuộc nhóm 2B, gỗ quý hiếm, cấm khai thác... Với số gỗ trên (7,3m3) đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm trong công tác bảo vệ rừng”, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết.

Ai là lâm tặc thật sự trong vụ lật xe thảm khốc?  - 1
Vụ tại nạn xảy ra làm 10 người chết. Vụ việc này có liên quan tới 4 hay nhiều hơn nữa các kiểm lâm Pù Huống?
 
Ai mới là lâm tặc thực sự trong vụ tai nạn thảm khốc này? Phải chăng đây là gỗ lậu? Câu hỏi này đã được lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định với báo chí: Số gỗ trên xe xảy ra tai nạn thảm khốc vào sáng sớm ngày 7/12 là gỗ lậu. Còn dư luận thì cho rằng: Cán bộ kiểm lâm hộ tống xe gỗ mới chính là... lâm tặc.

5 kiểm lâm “hộ tống” một xe gỗ

Gần 10 ngày qua kể từ khi vụ tai nạn xảy ra. Đã có đến hàng trăm bài báo được đăng tải. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt 4 kiểm lâm liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, dư luận vẫn bức xúc trước một vụ án "cháy nhà mới ra mặt chuột", kiểm lâm lại hóa lâm tặc, tiếp tay cho nạn phá rừng ở Vườn Quốc gia Pù Huống.

Từ những phát ngôn, nhận định của cơ quan chức năng cũng như dư luận, Dân trí xin nói lại vụ việc để thấy rõ những "uất ức" của dư luận là có cơ sở.

Trong bản tường trình của ông Đào Công Thắng gửi cơ quan chức năng đã tố cáo chính Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống Trịnh Thanh Long là người chỉ đạo ông Thắng áp tải xe gỗ. Khi ông Thắng đi đến địa bàn Xiêng My thì gặp ông Phan Sỹ Tuấn - Trưởng trạm kiểm lâm Nga My, đóng trên địa bàn huyện Tương Dương. Ông Tuấn thuộc quyền quản lý của BQLDA Khu bảo tồn Thiên nhiên quốc gia Pù Huống.
 
Ai là lâm tặc thật sự trong vụ lật xe thảm khốc?  - 2
Ngày đại tang ở Châu Lý vì gỗ lậu của kiểm lâm.

Đêm 6/12 và rạng sáng ngày 7/12, ông Phan Sỹ Tuấn, ông Ngô Tuấn và ông Phúc (3 người tại trạm Nga My) có mặt tại quốc lộ 48C thuộc địa bàn xã Xiêng My (huyện Tương Dương) đợi hai cán bộ khác là ông Đào Công Thắng và ông Nguyễn Kim Hùng từ cơ quan đến để hộ tống xe chở gỗ về thị trấn Quỳ Hợp cho “sếp” Long.

Tại đây, 5 người gặp gỡ, trao đổi, lên phương án. Sau đó, 3 ông Phan Sỹ Tuấn, Ngô Tuấn và Phúc đi một xe riêng; 2 ông Đào Công Thắng và Nguyễn Kim Hùng lên xe tải chở gỗ đi cùng để “dẫn đường”. Chiếc xe con do ông Phan Sỹ Tuấn đi sau để “hộ tống”. Khi đến đỉnh dốc Pù Huột tại km 62+400 thuộc bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông thì chiếc xe tải mất lái và gặp nạn.

Cứu đồng đội, bỏ mặc dân thường

Sau khi tại nạn xảy ra, biết có đồng đội của mình trên xe, lập tức ông Phan Sỹ Tuấn và đồng nghiệp kéo ông Đào Công Thắng và ông Nguyễn Kim Hùng mắc kẹt trong cabin ra, đưa về trạm kiểm lâm Nga My để sơ cứu; bỏ mặc những phu gỗ chết chẹt dưới đống gỗ lớn. Các kiểm lâm viên đã "biến mất" ngay trong đêm.

Do hai kiểm lâm Thắng và Kim Hùng bị thương quá nặng nên ông Phan Sỹ Tuấn đã đưa hai người này ngược về thị trấn Quỳ Hợp. Trên đường đi về thị trấn Quỳ Hợp, một lần nữa xe của ông Phan Sỹ Tuấn phải đi qua địa điểm xảy ra tai nạn nhưng lại thêm một lần nữa ông này làm ngơ với bao mạng người đang bị nạn mắc kẹt trong đống gỗ lớn.
 
Ai là lâm tặc thật sự trong vụ lật xe thảm khốc?  - 3
Những cột gỗ trên chiếc xe bị nạn...

Kiểm lâm Nguyễn Kim Hùng bị thương nhẹ hơn nên sau đó đã về cơ quan và ngủ lại, làm như không biết chuyện gì đang xảy ra. Kiểm lâm Đào Công Thắng được ông Phan Sỹ Tuấn đưa xuống Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn cấp cứu. Tuy nhiên do quá nóng ruột, tâm lý hoang mang, lo sợ nên Đào Công Thắng tự bắt xe về quê tại Nam Đàn để điều trị. Kể từ sáng 7/12 đến hết ngày 8/12, điện thoại của ông Thắng không thể liên lạc. “Sau khi được đưa về Bệnh viện Nghĩa Đàn lau rửa vết thương, quá hoảng loạn nên tôi bắt xe về quê...”, ông Đào Công Thắng cho biết.

Chiều ngày 9/12, ông Đào Công Thắng được Phó Giám đốc Trịnh Thanh Long về tận quê Nam Đàn gọi lên cơ quan để làm rõ một số vấn đề. Sau đó, ông Đào Công Thắng được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Cửa Đông và bị cơ quan điều tra bắt chiều ngày 10/12.

Trở lại với ông Phan Sỹ Tuấn, sau khi đưa ông Đào Công Thắng xuống Bệnh viện Nghĩa Đàn, ông Tuấn về lại Trạm kiểm lâm và tỏ ra không biết chuyện gì. Chiều ngày 12/12, công an ra lệnh bắt khẩn cấp Phan Sỹ Tuấn.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - PGĐ Công an tỉnh Nghệ An - cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 7/12 tại bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Công an tỉnh kiên quyết làm đến nơi đến chốn, không bỏ lọt tội, lọt người. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất.
 
Ai là lâm tặc thật sự trong vụ lật xe thảm khốc?  - 4
Nỗi đau người ở lại.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Bản tường trình của Đào Công Thắng nói rõ: số gỗ đó là của anh Long, Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống. Rõ ràng việc cán bộ kiểm lâm áp tải lâm sản trái phép là hoàn toàn sai và phải xử lý nghiêm minh. Chờ kết quả điều tra của công an, sau đó tuỳ mức độ ai sai, sai như thế nào sẽ xử lý.

Như vậy, liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc, cơ quan cảnh sát điều tra CA tỉnh Nghệ An đã bắt 4 cán bộ kiểm lâm gồm: Đào Công Thắng (trạm trưởng trạm trung tâm), Nguyễn Kim Hùng (kiểm lâm viên), Phan Sỹ Tuấn (trạm trưởng trạm Nga My) và Trịnh Thanh Long (PGĐ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống).

Một câu hỏi nữa là vụ việc có còn giấu điều bất ngờ nào nữa không? Kiểm lâm vì tư lợi mà thoái hóa biến chất, bất chấp pháp luật; đến khi gặp nạn lại chỉ lo trốn tránh, bỏ mặc dân thường; đó là kiểm lâm hay lâm tặc?

Nguyễn Duy