Sự “hồn nhiên” của bà quyền Chủ tịch tỉnh Sơn La

(Dân trí) - Những phát ngôn này cho thấy bà quyền Chủ tịch Sơn La khá… hồn nhiên và tiếc thay, chính sự “hồn nhiên” của chính khách này khiến tôi thất vọng, thậm chí còn hơn cả sai phạm của kỳ thi!

Sự “hồn nhiên” của bà quyền Chủ tịch tỉnh Sơn La - 1

Sau Hòa Bình, chuyện gian lận thi cử giờ đây đang nóng bỏng ở Sơn La (bao giờ nóng bỏng đến với Hà Giang nhỉ?) rồi chuyện ông Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tình này mạt sát nhà báo là “bố lếu, bố láo”, rồi thay đổi lời khai, xin về hưu sớm… đang xôn xao dư luận.

Song, có một hành động vừa xảy ra về Sơn La nhưng lại không ở Sơn La cũng đang gây ồn ã dư luận không kém. Nhiều tờ báo lớn đã đăng tải và nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.

Đó là thông tin bên lề Quốc hội, bà quyền Chủ tịch tỉnh Sơn La đã “hồn nhiên” từ chối trả lời về gian lận điểm thi của địa phương mình.

Trên báo Dân trí (và nhiều tờ báo khác), bên lề kỳ họp Quốc hội, khi một số nhà báo đề nghị đại biểu Tráng Thị Xuân với tư cách quyền Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi về vụ gian lận điểm thi đang “nóng” dư luận những ngày qua, bà Xuân xua tay: “Thôi, tôi không trả lời ở đây đâu. Tôi đã nói rồi, thông cảm đi. Việc này cũng không thuộc phần phụ trách của tôi”.

Đọc phát ngôn của bà quyền Chủ tịch tỉnh Sơn La, người viết bài này không khỏi ngạc nhiên và có phần thất vọng.

Ngạc nhiên bởi là người đứng đầu (dù mới là quyền) một tỉnh, bà Xuân lại nói rằng “Việc này cũng không thuộc phần phụ trách của tôi” là sao nhỉ?

Ơ hay, nếu người đứng đầu mà nói thế này thì biết qui “trách nhiệm người đứng đầu” thế nào đây? Cho ai đây?

Tuy nhiên, cũng có phần… “thông cảm” bởi bà Xuân mới “quyền” nên có thể chưa hiểu rằng chủ tịch là người phụ trách chung, phải chịu mọi trách nhiệm về tất cả mọi vụ việc diễn ra trên địa bàn mình chứ không thể đổ cho ai khác.

Còn thất vọng bởi trong khi vụ việc xảy ra tại địa phương mình, là người đứng đầu chính quyền tỉnh, bà Xuân nên chủ động gặp gỡ báo chí để một là thông tin đầy đủ, chính xác những gì mình biết và được phép cho báo chí để chung tay để xử lý nghiêm khắc vụ việc này.

Hai là không chỉ cử tri Sơn La mà cử tri cả nước đang nhìn nhận và trông đợi về cách hành xử công khai của Lãnh đạo Sơn la để từ đó, tạo thêm tin tưởng như lời của ĐB Nguyễn Sĩ Cương “để người dân còn tin vào pháp luật”. Đặc biệt là với tinh thần xây dựng một chính phủ liêm chính hiện nay,

Thứ ba, người viết bài này thấy thất vọng vì cách hành xử với báo chí qua các ngôn từ như “Thôi, tôi không trả lời ở đây đâu. Tôi đã nói rồi, thông cảm đi. Việc này cũng không thuộc phần phụ trách của tôi”, “Tôi không trả lời đâu. Tôi nói rõ là không trả lời. Thôi thông cảm cho tôi đi, để hôm khác”, “Nếu muốn cung cấp thông tin thì báo chí lên Sơn La đi. Tôi không cung cấp thông tin ở đây”.

Tiếc rằng sự “hồn nhiên” này không phải lần đầu.

Cách đây không lâu, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, cuối năm 2017, khi PV Dân trí hỏi bà Xuân (khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La) về vụ việc 20 cán bộ tỉnh này bị khởi tố liên quan đến dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La, bà Xuân đã nói cũng rất… “hồn nhiên” và... thương quan: “20 cán bộ không liên quan đến chuyện tiền nong, “tư túi” mà chỉ vì… thương dân, làm lợi cho dân”.

Nhìn lại những phát ngôn này cho thấy bà quyền Chủ tịch Sơn La khá… hồn nhiên và tiếc thay, chính sự “hồn nhiên” của chính khách này khiến tôi thất vọng, thậm chí còn hơn cả sai phạm của kỳ thi!

Bùi Hoàng Tám