"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…"

Bích Diệp

(Dân trí) - Xin tri ân những người hùng thầm lặng - không chỉ 400 đại biểu xuất sắc có mặt ở Lễ tuyên dương, mà còn là tất thảy tấm lòng cao cả ở trên đời.

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình… - 1

Chiều 28/11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội. Chuỗi hoạt động liên quan đến sự kiện này kéo dài hai ngày 27-28/11 nhằm vinh danh những cá nhân tiêu biểu nhất, có nhiều đóng góp cho việc thiện nguyện trong cộng đồng...

Tại Lễ tuyên dương, 50 cá nhân tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 350 cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Với số lượng đại biểu lên tới 400 người và chuỗi hoạt động được chuẩn bị tỉ mỉ, công phu đã cho thấy tầm vóc, quy mô của sự kiện, thể hiện sự ghi nhận và trân trọng của đất nước với những "người hùng" sống giữa đời thường.

Như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, những điển hình được tuyên dương có thể là cá nhân gắn bó hàng chục năm với công tác trợ giúp trẻ em nghèo, người đơn thân; người chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ; người nhiều lần hiến máu; bác sĩ có hành động dũng cảm cứu người trong đợt dịch Covid-19; người có nhiều đóng góp trong công tác tại cộng đồng…

Đó là sư cô Tuệ Tánh (40 tuổi, tỉnh Kiên Giang), thuộc Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang - nơi đang nuôi dạy 90 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh, bại não. Trung tâm chỉ có 14 người tham gia làm việc, chăm sóc các em nhỏ, tuy nhiên mọi người đều cố gắng hết sức, để các em nhỏ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hay đó là bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, tỉnh Đồng Nai) chủ cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo hiện đang giúp đỡ và là nơi cưu mang 76 người già neo đơn, từ khắp các địa phương trong tỉnh. Có những cụ tuổi đã trên 90, hiện đang được chăm sóc tận tình tại đây. Cơ sở còn nhận giúp đỡ cả các em nhỏ bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, để giúp các em trưởng thành và có một cuộc sống tốt hơn.

Đó còn là ông Cao Việt Đức (SN 1955, Phó Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh bộ đội Đặc công huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), người đã dành 21 năm cho cuộc hành trình tìm kiếm thông tin, phần mộ liệt sĩ toàn quân…

Họ là những con người bằng xương bằng thịt, vẻ ngoài chân chất, dung dị, rất đỗi bình thường như biết bao người ta vẫn gặp trong cuộc sống, nhưng hành động của họ lại phi thường.

Trong số họ, nhiều người cuộc sống còn khó khăn, vất vả, hạn chế về sức khỏe thế nhưng họ không hề nề hà cống hiến thời gian, công sức để mang lại giá trị cho xã hội, giúp đỡ người khác.

Họ cần mẫn với công việc của mình, không màng danh lợi. Và tôi chắc rằng, trong suốt cuộc đời mình, rất nhiều người trong số họ chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ được vinh danh tại một sự kiện tầm vóc quốc gia như thế này.

Rất nhiều người làm điều thiện một cách tự nguyện và lặng lẽ. Không ai ép buộc, giao trách nhiệm cho họ cả. Một số người làm việc, cống hiến rất vô tư, làm không công như sứ mệnh cuộc đời giao phó vậy.

Họ tất bật, vội vã, cống hiến không ngơi nghỉ.

Chẳng hạn như ông Cao Việt Đức, ông nói với phóng viên rằng, ngay sau khi sự kiện này kết thúc, sáng 29/11, ông lập tức vào Quảng Ngãi để tiếp tục tìm kiếm những người đồng đội còn nằm lại ở chiến trường.

Cá nhân người viết cho rằng, đối với bất kỳ ai cứ làm được một việc tốt cũng là đáng ghi nhận. Giả sử hơn 90 triệu người, mỗi người một việc tốt, thì cùng lúc chúng ta có 90 triệu hành động tử tế!

Huống hồ, có những người dành gần như toàn bộ quỹ thời gian của họ cho công tác thiện nguyện. Họ không khoác trên mình những tấm áo choàng đỏ, họ không là những nhân vật hư cấu như những siêu anh hùng mà chúng ta bắt gặp trong phim ảnh, sách truyện, nhưng họ mới chính là những người hùng thực sự.

Than ôi, đối với những người bình thường như chúng ta, việc chăm sóc cha mẹ, nuôi nấng con cái chu đáo đã đáng quý vô cùng, còn họ, họ thương yêu và đùm bọc những người già cả neo đơn, ốm đau, những trẻ em không nơi nương tựa… như chính người thân mình.

Nếu không có một ý chí sắt đá, một tấm lòng thật sự thiện lương, sự nhiệt tình và đức hi sinh cao cả, thật khó mà làm được những điều vĩ đại mà tưởng chừng như giản đơn ấy!

Đặt trong xã hội kim tiền, biết bao người "khôn ngoan" song đánh mất mình vì danh lợi và vật chất mới thấy sự phi thường của những tấm gương thiện nguyện vì cộng đồng!

Xin tri ân những người hùng thầm lặng - không chỉ 400 đại biểu xuất sắc có mặt ở Lễ tuyên dương, mà còn là tất thảy tấm lòng cao cả ở trên đời.

Xin cảm ơn những nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH đã tạo nên một chương trình rất nhân văn, giàu ý nghĩa. Một chương trình thật sự tuyệt vời và lan tỏa!