Sinh mệnh các em không chờ đợi

(Dân trí) - Không được phép treo số phận các em trên sợi dây chờ đợi. Cần có ngay một cây cầu dù nho nhỏ để vĩnh viễn khép lại cảnh các em vật lộn cùng sóng dữ bởi điều tồi tệ, điều không ai mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mình đã xem đi xem lại những bài viết trên báo Dân trí và cả clip mà Đài truyền hình Việt Nam thực hiện ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa – Quảng Bình. Hình ảnh những em bé vượt qua thác lũ đến trường sống dậy trong mình kí ức thủa nào. Làng mình bên bờ một con sông. Lũ trẻ con làng mình ngày ngày đi học phải vượt qua con sông ấy. Dòng sông không rộng nhưng về mùa mưa rất hung dữ. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy sẵn sàng cuốn trôi tất cả ra biển. Mùa đông, mặt nước yên ả, xanh thăm thẳm nhưng ẩn chứa cái lạnh thấu da, buốt xương. Hình ảnh những đứa trẻ làng mình vật lộn với dòng sông cuồn cuộn vào mùa mưa và run rẩy vào mùa lạnh tưởng đã mãi mãi chìm vào ký ức. Thế mà giờ đây, hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước đã trải qua bao thay đổi. Những đô thị lớn mọc lên. Các công trình điện - đường - trường - trạm đã thay đổi diện mạo nông thôn. Thế mà ở mảnh đất Minh Hóa, miền đất lửa Quảng Bình năm xưa vẫn còn lặp lại cảnh tượng của chính mình hơn 40 năm về trước. Trên dòng sông nơi đây đã có những con đò bị sóng đánh tan, đã có những số phận làm mồi cho hà bá, đã có những em học sinh mãi mãi không còn được đến trường…
 
Sinh mệnh các em không chờ đợi - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một cây cầu, chỉ một cây cầu nho nhỏ thôi. Một cây cầu như cầu Khuyến học & Dân trí mà bạn đọc từng tiếp sức xây dựng bắc qua sông Pô Kô là ước vọng bao đời của người dân nơi đây. Báo Dân trí của mình đến nay đã quyên góp xây được 4 cây cầu. Tức là 4 lần mình được chứng kiến khi thì tận mắt, khi thì gián tiếp qua ảnh niềm vui của người dân khi cây cầu khánh thành, vĩnh viễn nối lại hai bờ sông  từ ngàn đời cách trở. Giây phút tràn ngập nụ cưới tỏa sáng của các em thơ và ầng ậng những giọt nước mắt xúc động của người già, những người đã gần hết cuộc đời mình sống trong mơ ước có ngày vui hôm nay.

Trở lại chuyện cây cầu ở Minh Hóa. Có lẽ tại thời điểm hiện tại, các em học sinh và người dân xã Trọng Hóa chưa cần đến cây cầu qui mô và hiện đại nhưng ở thì tương lai, nằm trong sự đợi chờ như vậy. Họ cần, rất cần ngay một cây cầu nho nhỏ trị giá chưa tới 2 tỉ đồng như cầu Khuyến học & Dân trí đã bắc trên sông Pô Kô đang cần mỗi chúng ta tiếp sức. Số phận người dân nơi đây đang bị đe dọa từng ngày. Số phận các em thơ nơi đây đang bị đe dọa từng giờ. Không và không được phép treo số phận các em trên sợi dây chờ đợi. Cần có ngay một cây cầu dù nho nhỏ để các em được qua đó đến trường trong thời gian sớm nhất có thể. Hãy vĩnh viễn khép lại cảnh các em thơ vật lộn cùng sóng dữ qua sông bởi điều tồi tệ, điều không ai mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xin cám phục trước tinh thần hiếu học của các em. Xin tạ lỗi với mảnh đất lửa Quảng Bình, nơi những người dân kiên cường đã cưu mang, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo cho chúng tôi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong lúc địa phương còn đang chờ ngân sách, mỗi người dù chỉ một đóng góp nhỏ, xin hãy chung tay xây một cây cầu trong thời gian sớm nhất. 
   
Khi mình viết đến những dòng này, trên Dân trí đã có cả trăm bạn đọc gửi thư (comment) về tòa soạn. Hầu hết các ý kiến đều nói lên sự cảm thông, chia sẻ, khâm phục, động viên các em và rất nhiều ý kiến muốn chung tay, góp sức cùng giúp đỡ các em sớm có một cây cầu. Bạn đọc có địa chỉ Email: lygiangnam2000@yahoo.com còn gợi ý: Thật xót xa! Quỹ nhân ái của báo Dân trí có thể đứng ra kêu gọi toàn dân đóng góp xây cầu như chúng ta đã từng làm khi xây cầu Poko ở cao nguyên không? Tôi tin chắc rằng toàn dân sẽ ủng hộ việc làm này. Thầy giáo Phạm Thế Cường địa chỉ Emai: phamthecuong1978@gmail.com viết:  Là một giáo viên vùng cao, tôi thực sự thấy choáng. Tại sao địa phương và các cấp lại để chuyện này xảy ra trong suốt 10 năm trời? Đau xót quá. Mong các cấp, các nhà hảo tâm hãy ra tay giúp sức để mùa lũ sau các em không còn phải bơi như vậy để đến trường nữa...
 
Tinh thần hiếu học của các em thơ nơi đây đang bị thách thức. Không thể để các em chờ đợi bởi sự chờ đợi ít nhiều cũng mang dáng dấp vô tâm. Sinh mệnh của các em, sự an toàn của các em không cho phép chúng ta chờ đợi phải không các bạn?
 
Bùi