"Sao đại biểu lại "ngây ngô" đến thế!"

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Đó là cảm giác không chỉ của tôi khi đọc thông tin trên Dân trí, rằng trong phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Trần Văn Trường đề xuất.

Sao đại biểu lại ngây ngô đến thế! - 1

"Cần quy định những người mua xe thì phải có nơi đỗ xe, có nơi gửi xe, chứ anh mua xe rồi lấy đường giao thông làm bãi đỗ xe là không đảm bảo. Phải có quy định cái này". Đại biểu Trường nói.

Lý do ông Trường đưa ra đề xuất này là bởi Thành phố Đà Nẵng thiếu chỗ đỗ ôtô, nhiều người đỗ xe tràn lan dưới lòng đường, biến lòng đường thành bãi đỗ xe.

Lý thì thế nhưng thành thật, tôi cảm thấy nó rất "ngây ngô".

Nói rằng nó "ngây ngô", phi lý bởi làm thế nào để chứng minh rằng một ai đó "có chỗ để xe"? Và xác định địa chỉ "chỗ đỗ xe" là như thế nào? Ví dụ, những người trong nhà họ có chỗ đỗ xe nhưng xe là vật lưu động, lúc này chỗ này, lúc khác chỗ khác thì cái chỗ đỗ xe ở nhà ấy có được tính không và liệu có bao nhiêu tác dụng?

Rồi xe đi từ địa phương này sang địa phương khác thì sao? Mua xe của đại lý thì chứng minh việc này như thế nào? Đó là chưa kể xe biếu, tặng, xe trả giải thưởng…

Thứ hai, nó vô lý vì việc qui hoạch bãi đỗ xe và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường phố là trách nhiệm của chính quyền, sao lại có kiểu chính quyền không quản được thì cấm dân?

Và thứ ba, nó vi hiến. Tại khoản 1, điều 32 Hiến pháp 2013 qui định:

"Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác".

Người dân có thu nhập hợp pháp, họ có quyền mua nhà, mua xe hay làm gì đó mà không vi phạm pháp luật là quyền của họ, sao lại có chuyện cấm đoán ở đây?

Có lẽ cũng cần nhắc lại với đại biểu Trường rằng nhằm tháo gỡ ách tắc giao thông, trước đây, Hà Nội đã có qui định mỗi công dân của Thủ đô chỉ được mua một xe máy và sau đó, cũng vì lý do "quyền có tài sản" mà Bộ Tư pháp đã "tuýt còi". Hậu quả tai hại của nó thì đến bây giờ vẫn còn dai dẳng. 

Thế nên, một khi đã là đại biểu của dân thì trước khi đưa ra một đề xuất, cũng nên đọc kỹ các văn bản pháp luật liên quan và trên hết, phải vì lợi ích của người dân.

Xin đừng đưa ra những đề xuất phi lý để làm khổ dân và để dân thất vọng mà thốt lên: "Sao đại biểu lại "ngây ngô"đến thế!