“Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau…”
(Dân trí) - Miền Trung đang trải qua chuỗi thời gian lũ lụt kinh hoàng, một đợt lũ lịch sử khi bão chồng bão và lũ chồng lũ. Nối tiếp bão số 6 là bão số 7, rồi áp thấp nhiệt đới. Mưa triền miên, mưa hối hả.
Khi tôi viết những dòng này (17/10), ngoài cửa sổ vẫn một màu trắng xoá. Gió len qua khe cửa rít từng hồi. Cây cối ngả nghiêng, cỏ rạp trên mặt đất.
Thế nhưng nơi tôi sống (Nghệ An) vẫn còn may mắn vì không phải tâm mưa bão. Thật khó có thể tưởng tượng sự khó khăn, vất vả của đồng bào ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… đang trải qua. Nhiều địa phương giao thông tê liệt, mất điện, người dân bị cô lập.
Theo số liệu sơ bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai công bố đến thời điểm 17 giờ ngày 16/10, mưa, lũ, sạt lở ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 57 người chết, 7 người mất tích.
Ngoài ra, mưa, lũ cũng làm 649 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng; 168 điểm quốc lộ, 33.639 m đường giao thông ở các địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 900 ha lúa, 5.514 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp và 3.978 ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Nhưng đáng lo ngại là tình hình thời tiết trong những ngày tới vẫn còn rất xấu.
Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều độc giả đã “lạnh người” khi nghe tin, từ ngày 17 đến 21/10, Trung Bộ sẽ còn có mưa to đến rất to, Hà Tĩnh đến Quảng Trị có thể mưa “đặc biệt to”.
Chưa hết, theo cảnh báo của Cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.
Nghĩa là, những thống kê thiệt hại kể trên có thể sẽ có tăng lên. Sẽ còn có nhiều người dân, nhiều gia đình vùng lũ phải chống chọi với đói và rét. Họ cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Điều ấm lòng là trong những ngày mưa bão, gió rét ấy, người dân cả nước đã chung tay, người góp sức, người góp tiền, góp gạo, áo ấm… Không chỉ các đơn vị, cơ quan đoàn thể thuộc Nhà nước, không chỉ những tổ chức từ thiện “chuyên nghiệp” mà với sự sốt sắng, nóng lòng, các nghệ sĩ, những nhân vật có ảnh hưởng tới xã hội cũng đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trích từ Quỹ Cứu trợ của thành phố ủng hộ 7 tỷ đồng. Đại sứ Hoa Kỳ công bố khoản viện trợ ban đầu 100.000 USD được USAID trao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Các doanh nghiệp và những nghệ sĩ tên tuổi cũng đã không quên trách nhiệm với xã hội, cộng đồng đứng ra quyên góp và kêu gọi hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có những người không ngại hiểm nguy xông pha vào “rốn” lũ, gõ cửa từng nhà để trao quà cứu trợ cho bà con.
Riêng Chương trình Nhân ái của báo Dân Trí ngoài việc hỗ trợ “nóng” tới những hoàn cảnh đặc biệt, còn là nhịp cầu, cầu nối để chuyển những hỗ trợ về tiền, lương thực, thực phẩm mà bạn đọc ủng hộ đến đồng bào miền Trung.
Người miền Trung chúng tôi có câu hát “Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà đồng bào miền Trung cần sự tương trợ của cả nước.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Từng thùng mì gói, từng chai nước lọc bây giờ đều quý giá.
Có câu “cứu người như cứu hoả”. Do vậy, lúc này có lẽ không phải là lúc đắn đo xem hỗ trợ “cần câu” hay “con cá”, mà là lúc xắn tay hành động.
Có thể đâu đó còn những bình luận, những nghi ngại về cách thức làm từ thiện, song, cá nhân tôi cho rằng, bất cứ sự đóng góp nào cũng đều đáng được ghi nhận. Không phải ai trong chúng ta cũng thể đến tận nơi, vậy nên việc trao gửi tấm lòng của mình cho những cá nhân, tổ chức uy tín, có chọn lọc là điều cần thiết.
Đương nhiên, với những cá nhân đứng ra kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng, tôi cũng hi vọng và đặt niềm tin rằng họ đã dũng cảm đương đầu với khó khăn để chuyển tải, trao gửi tận tay đồng bào cần giúp đỡ. Còn những ai nhân cơ hội này để “trục lợi” thì đó quả là một hành vi đáng lên án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi hiểu rằng, sự minh bạch và trung thực trong công tác từ thiện là vô cùng quan trọng. Để đạt được hiệu quả còn cần cả kỹ năng về quản lý quỹ, nhưng trên tất cả là “tâm bồ tát”, là tấm lòng vì người khác.
Khi đã có lòng, không có gì là không thể.
(Riêng với chương trình nhân ái của báo Dân Trí, bạn đọc có thể ủng hộ theo mã số: 3892. Chúng tôi cam kết giữ vững truyền thống “Một đồng đến là một đồng đi (một đồng đến với quỹ Nhân ái là một đồng đi tới với những địa chỉ cần giúp đỡ)”).