Quốc hội giám sát và giám sát Đại biểu... ngủ gật!

(Dân trí) - Đại biểu có chịu nói hay nói đúng nguyện vọng của mình hay không? Có làm những gì như đã hứa trong chương trình hành động và thậm chí, có mặt hay không trong những phiên họp quan trọng? Nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với những đại biểu nhiều phiên họp không có ý kiến gì hay… ngủ gật.


(Minh họa: NGọc Diệp)

(Minh họa: NGọc Diệp)

Cùng với lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thì giám sát chính là một trong ba nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội.

Những nhiệm kỳ gần đây, theo đánh giá của nhiều cử tri, chức năng giám sát ngày một được phát huy và đã có kết quả tương đối tốt. Nói tương đối có lẽ là bởi tuy đã có nhiều tiến bộ, song, công bằng thì việc giám sát cũng chưa đạt hiệu quả cao mà điển hình là trong các vụ tham nhũng.

Có lẽ cho đến nay, chưa có đại biểu hay đoàn đại biểu Quốc hội nào phát hiện được vụ tham nhũng nào ở ngành mình, địa phương mình. Các vụ tham nhũng lớn như Vinashin hay Vinalines, nếu Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn, chắc hậu quả sẽ không lớn đến như vậy.

Song, có một câu hỏi đặt ra, ai là người giám sát Quốc hội?

Tất nhiên trước hết, là cử tri và các tổ chức chính trị xã hội.

Tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 10/5 vừa qua, cử tri tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã nêu ý kiến này.

Cụ thể, cử tri Hà Hạnh đánh giá vai trò giám sát của Quốc hội còn khá mờ nhạt. “Nhiều kiến nghị, bức xúc của người dân phản ánh không được giải quyết đến nơi đến chốn. Các cơ quan chức năng thực hiện không tròn trách nhiệm khiến người dân, doanh nghiệp kêu ca nhưng không có ĐB QH nào lên tiếng. Nhiều “công bộc” của dân hứa rồi để đó, nói không đi đôi với làm”...

Từ đó, ông Hạnh đề nghị Quốc hội cần phải giám sát luôn cả lời hứa của các người đứng đầu cơ quan chức năng, thậm chí giám sát luôn cả lời hứa của các ứng viên khi ứng cử.

Đây là ý kiến rất đáng quan tâm bởi Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nhưng không có nghĩa là không có giới hạn (quyền – hạn). Đại biểu Quốc hội do dân bầu ra để đại diện cho ý chí, quyền lực của dân chứ không phải là quyền lực của cá nhân đại biểu đó.

Vì thế, đại biểu cũng cần phải có cơ chế giám sát.

Thực tế, việc giám sát đại biểu Quốc hội đã diễn ra từ lâu. Việc truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận hay chất vấn và trả lời chất vấn cũng là để người dân giám sát đại biểu của mình xem họ có nói và có nói đúng nguyện vọng của cử tri hay không? Họ có làm những gì như đã hứa trong chương trình hành động trước khi trúng cử và cả việc có mặt hay không trong những phiên họp của Quốc hội, đặc biệt là những phiên quan trọng.

Đã có những ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với những đại biểu nhiều phiên họp, thậm chí nhiều nhiệm kỳ không có ý kiến gì.

Gần đây nhất (ngày 4/5), trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cử tri Trương Công Bình (Quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ) còn thẳng thắn đặt vấn đề về việc một số đại biểu Quốc hội ngủ gật hay nói chuyện riêng trong phiên truyền hình trực tiếp.

Ông Bình đề nghị Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp. Vì hình ảnh đó không đẹp lắm trước cử tri đang theo dõi qua truyền hình trực tiếp.

Trở lại vấn dề giám sát Quốc hội, có lẽ không chỉ cử tri đặt ra yêu cầu này mà cả các Đại biểu Quốc hội cũng mong muốn bởi qua đó, giúp việc nhìn nhận chính mình được chính xác hơn, hiểu được hình ảnh của mình trong mắt cử tri… Từ đó, có những điều chỉnh nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa.

Vì thế, có lẽ đã đến lúc Quốc hội nên có một kênh thông tin để cử tri giám sát các đại biểu do minh bầu lên.

Từ đó, qua mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội có cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đại biểu, tránh tình trạng ai cũng như ai, nhất là “hứa rồi để đó, nói không đi đôi với làm” như lời của cử tri Trương Công Bình.

Đây chính là tinh thần dân chủ mà chúng ta đang theo đuổi, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám