Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa:

Vào Quốc hội mà lặng thinh, vào làm gì?

“Làm ĐBQH cứ xuân thu nhị kỳ, đến kỳ hội họp lại mang cặp tới ngồi cho hết buổi rồi về thì quá lãng phí”.

Khẳng định dấu ấn mạnh mẽ ở nghị trường Quốc hội khóa XIII, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV tới đây, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nói: “QH là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam. Trước tiên, tôi cho rằng việc bầu ĐBQH không nên quá nặng về cơ cấu; tạo điều kiện tối đa để người dân lựa chọn cho được người thực sự đại diện cho tiếng nói của mình. Đó phải là những người có đức, có tài, có tâm, có tầm và phải có trí tuệ cùng bản lĩnh”.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, được biết đến là người rất mạnh mẽ phản biện trên diễn đàn QH khóa XIII. Ảnh: CTV
ĐBQH Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, được biết đến là người rất mạnh mẽ phản biện trên diễn đàn QH khóa XIII. Ảnh: CTV

Vào để ngồi không là quá lãng phí

. Phóng viên: Thưa ông, tới đây cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu chọn ra các ĐBQH đại diện cho tiếng nói của mình. Nếu là một người dân thì ông mong muốn gì từ các ĐBQH khóa XIV?

+ Ông Huỳnh Nghĩa: ĐBQH phải là người dám nói dám chịu trách nhiệm. Người ĐB đó phải có óc phản biện. Một chính sách được đưa ra để QH quyết thì sự phản biện của ĐB hết sức quan trọng. Tiếng nói của ĐB trước QH chính là anh đang thực hiện nhiệm vụ của nhân dân giao phó. Phản biện chính sách để nó tốt hơn, đi vào đời sống và vì lợi ích nhân dân thì anh mới làm tròn được nhiệm vụ của mình.

Là một ĐBQH anh phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết chứ không phải vì sợ đụng chạm, cả nể rồi không nói gì cho đến hết cả nhiệm kỳ. Khi mạnh mẽ phát biểu, ĐBQH có thể làm mất lòng một số người nhưng chúng ta lại được cả nhân dân, vì thực sự nói tiếng nói của dân mình.

. Thực tế có nhiều ĐB không làm được điều đó, có người chẳng bao giờ phát biểu, thưa ông?

+ Đúng. Có một số người như vậy. Làm ĐBQH mà cứ đến xuân thu nhị kỳ QH hội họp lại mang cặp tới ngồi cho hết buổi rồi về. Làm ĐBQH như thế thì không biết họ vào để làm gì.

Tôi nói như thế là để chọn cho được người có trình độ, năng lực thực sự để vào QH.

. Ông thấy gì từ những ĐBQH cả nhiệm kỳ không phát biểu, không nói lên tiếng nói của nhân dân?

+ Làm ĐBQH mà cả nhiệm kỳ không phát biểu, ngồi thu lu như vậy thì buồn, chán lắm. Nhân dân không cử anh đến để ngồi không như thế.

Và như thế cũng rất lãng phí. Lãng phí cả tiền bạc của nhân dân và cả thời gian của chính người đó và lãng phí cả cơ hội của người khác. Những người này một phần cũng là do cơ cấu.

ĐB để ghế trống nhiều, dân nhìn kỳ lắm

. Có vẻ như QH ta vẫn còn nặng về cơ cấu và khá ít ĐBQH ở ngoài hệ thống chính trị?

+ Chúng ta đã cải thiện tình hình này nhưng thực ra vẫn còn nặng về cơ cấu. Bây giờ cả ông bí thư, chủ tịch các địa phương cùng vô QH thì tỉnh đó còn lấy ai làm việc. Cả hai ông chủ chốt của địa phương vô ngồi hết trong QH như thế để làm gì.

Chúng ta đặt nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng nếu cơ cấu các cơ quan Đảng, chính quyền vào nhiều trong cơ quan dân cử quá là không được. Nên giảm bớt cơ cấu ấy mà hãy chọn cho được những vị ĐB có đức, có tài để phụng sự nhân dân.

. Quan sát nghị trường thường thấy rất nhiều ghế trống trong mỗi lần họp QH?

+ Bỏ ghế trống là do đâu? Cũng do chính mấy anh bí thư, chủ tịch được cơ cấu vào bỏ ghế trống chứ ai. Họp hành QH mất nhiều thời gian nên đang họp phải bỏ về điều hành địa phương.

Mà dân nhìn vào QH thấy bỏ ghế trống nhiều cũng kỳ lắm. Cho nên tôi cho rằng cần phải bớt cơ cấu đi. Nặng cơ cấu quá đâm ra hình thức và không phát huy hết được vai trò của một ĐBQH. Đại diện tiếng nói của nhân dân mà đến kỳ họp dân nhìn lên thấy ghế trống như thế thì làm sao ăn nói với dân.

. Xin cám ơn ông.

Quốc hội cần những tuổi trẻ tài cao

. Theo ông có cần trẻ hóa ĐBQH không vì nhiều người trẻ bây giờ tài cao không đợi tuổi?

+ Những người trẻ mà có tâm, có tầm, có đạo đức và trí tuệ thì nên vào ĐBQH. Nếu đưa được những anh này vào thì đúng quá. Họ có thể đóng góp được trí tuệ của mình cho đất nước, đặc biệt họ có thế mạnh là sức trẻ, sự táo bạo và năng động. Nhưng ĐBQH cũng không nên trẻ quá khi mà người đó chưa có thực tiễn lẫn trình độ. Những anh mới ra trường mà cơ cấu làm ĐBQH thì cũng cần phải cân nhắc. Bởi trong QH tôi còn nhớ có một cô mới ra trường đưa vào cơ cấu trúng ĐBQH nhưng cả nhiệm kỳ tôi theo dõi thì thấy cô ấy đâu có phát biểu, đóng góp gì. Nên tôi nghĩ trẻ là rất tốt nhưng cũng cần cơ cấu cho đúng để không phụ lòng nhân dân.

Tiêu điểm

Phải xem xét loại bỏ những kẻ cơ hội muốn vào ĐBQH. Đặc biệt là những người cơ hội về chính trị, lợi ích nhóm, bè phái trong đó. Bởi trong tình hình hiện nay là đang nặng về lợi ích nhóm và bè phái. Quen nhau mà quen nhau trong nháy nháy để rồi ra QH phụ họa với nhau làm những chuyện không đúng đắn làm tổn hại lợi ích của nhân dân. Là người cộng sản thì không cho phép làm chuyện đó. Phải đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa

Theo Lê Phi
Pháp luật TPHCM