Qui trình của… Hà Bá!

(Dân trí) - Kính thưa các nhà “thủy điện học”! Những người dân như chúng tôi tuyệt nhiên không biết và không cần biết về cái gọi là “qui trình”, “qui treo” của các vị. Chúng tôi chỉ biết một điều, cái mà “tiếp sức” cho lũ để người chết, nhà chìm thì đích thị là qui trình của… Hà Bá, phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Hiện nay, thủy điện đã và đang là mối kinh hoàng của người dân không chỉ vùng chân đập. Nó thật sự đã biến thành “thủy quái” sẵn sàng bắt tay với thiên tai cuốn trôi người, nhà cửa, tài sản, hoa màu của cả một vùng rộng lớn trong chớp mắt.

Vì sao vậy? Nguyên nhân thì nhiều và đã có quá nhiều những bài phân tích sâu sắc. Tóm lại là đáng lý, nó phải là một chiến lược kinh tế được thực hiện từng bước, có thí điểm, phân loại và có tổng chỉ huy.

Thế nhưng tiếc thay những năm qua, nó đã biến thành một… "phong trào rộng lớn". Người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện, huyện, tỉnh đua nhau làm thủy điện…

Thế là tất cả các con sông, con suối bất kể to nhỏ, bất kể hậu quả gây ra cho môi sinh như thế nào đều được “đắp đập, be bờ” làm thủy điện.

Môi sinh bị tàn phá. Những dòng sông, con suối trước đây dù mùa khô vẫn  đầy ắp nước thì bây giờ luôn trong tình trạng khô cạn khiến cả một vùng hạ lưu trù phú thường xuyên hạn hán. Lúa mất mùa, hoa màu cằn cỗi, đời sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn.

Rừng thì bị tàn phá không thương tiếc. Phá để xây dựng các nhà máy thủy điện, rừng còn bị phá bởi trò “thừa gió bẻ măng” nên những nơi có dự án thủy điện, về cơ bản, rừng đã phá xong.

Rừng mất thì sinh ra lũ lụt. Các hồ chứa trên lý thuyết là để điều hòa nhưng giờ đây là quả bom nước đặt lơ lửng trên đầu dân chúng.

Đáng lý khi có mưa lớn, các hồ này phải trữ nước để điều hòa thì ngược lại, nó lại tiếp tay cho Hà Bá bằng cách… đổ thêm lũ vào mưa.

Thế là trên trời thì Thiên Lôi hoành hành. Ngoài biển thì Hà Bá dâng nước. Dưới  đất thì “thủy quái điện” xả lũ đã đẩy người dân xả thân, xả phận vào chốn đói nghèo vì nhà cửa, tài sản mất hết.

Thế mà đau xót thay là không ai chịu trách nhiệm cả.

Câu nói “mơ hồ” đến mức nghe xong chả mấy ai hiểu (kể cả một số đại biểu Quốc hội) và có lẽ sẽ trở thành “kinh điển” của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã nói lên cái bản chất “rối rắm”, “cha chung không ai khóc”, lỗi chung không ai nhận: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.

Thế nhưng trơ tráo là trong vụ đại hồng thủy kinh hoàng ỏ Đại Lộc (Quảng Nam) vừa qua, các chủ hồ đều tuyên bố xanh rờn rằng họ đã… xả lũ đúng qui trình!?.

Qui trình do họ hoặc những người cùng phía với họ là tác giả nên nói thẳng thừng như ông Nguyễn Văn Ngũ - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 17, khóa XX (bài Quy trình xả lũ bị mắng “xối xả” – Việt Nam Nét ngày 28/11):”Hồ chứa thủy điện xả lũ đúng qui trình. Nhưng chỉ là đúng qui trình với chính… chủ hồ thủy điện”.

Còn GĐ Sở NN&PTNN Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang thì ví von:“Thủy điện không gây ra lũ lụt, thiên tai tạo ra nước. Nhưng chính thủy điện tiếp sức gây ra lũ lụt! Quy trình xả lũ do chính thủy điện đề ra! Nói xả lũ đúng quy trình? Nó chỉ đúng với chủ hồ, nhưng nó không đúng với cuộc sống người dân!”.

Còn người dân như cụ Nguyễn Văn Minh, Đại Cường - Đại Lộc thì chỉ biết ngậm ngùi: "… bà con tui ở vùng rốn lũ ni biết chi mấy cái qui trình của các ông! Hồi chưa có thủy điện, mỗi khi trên nguồn mưa lớn là lũ về. Nhưng lũ không tàn khốc và gây thiệt hại lớn như bây giờ".

Kính thưa các nhà “thủy điện học”, những người dân như chúng tôi tuyệt nhiên không biết và không cần biết về cái gọi là “qui trình”, “qui treo” của các vị. Chúng tôi chỉ biết một điều, cái mà “tiếp sức” cho lũ để người chết, nhà chìm thì đích thị là qui trình của… Hà Bá, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!