"Phúc tổ" với những dự án hàng chục ngàn tỷ tạm dừng, không triển khai
(Dân trí) - Ở ta, có rất nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ, đình trệ có nhiều nguyên nhân và đa phần gây ra hậu quả tiêu cực: Làm tăng vốn đầu tư, lãng phí, thất thoát. Nhưng thực ra, cũng lại có những dự án chậm triển khai mà người ta phải ra quyết định tạm dừng, hoặc bỏ hẳn không triển khai, tuy có gây thiệt hại nhất định, nhưng thực tế lại là điều may mắn.
Thật thế. Những công trình mà chậm tiến độ như dự án "Đường sắt trên cao: Cát Linh-Hà Đông" thì chậm tiến độ hàng năm trời đã gây hậu quả khủng khiếp: Số vốn bị đội lên khoảng 10 ngàn tỷ đồng mà ngày hoàn thành, chất lượng, độ an toàn của công trình vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Nhưng đã có những công trình mà vừa rồi, Chủ đầu tư quyết định hay đề xuất ra quyết định hoãn hay bỏ hẳn, không triển khai, nghe qua người ta dễ nghĩ rằng, công trình đó có chuyện gì, bị làm sao mà phải dừng nhưng thực tế, việc tạm dừng, không hẹn ngày tái khởi động các dự án ấy có khi lại là điều phúc lớn cho đất nước. Giống như câu chuyện "Tái ông thất mã" vậy.
Ví dụ "nóng" nhất là dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Việt Nam có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 11.000 tỷ đồng. Sau khi báo chí nêu việc Bộ Xây dựng "kêu khó" với Thủ tướng Chính phủ về việc khó khăn trong triển khai dự án này do thiếu vốn, ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án đã cho biết, quan điểm của Bộ Xây dựng là "trong tình hình ngân sách nhà nước khó khăn, Bộ Xây dựng không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này".
Dự án trên có thể vẫn cần thiết nhưng chưa thực sự là dự án cấp bách do Bảo tàng hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân, khách tham quan du lịch. Cho nên, trong bối cảnh hiện tại, một phần do ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, một phần do còn nhiều công trình, dự án cấp bách khác đang cần vốn đầu tư hơn: Bệnh viện, trường học, các công trình giao thông công cộng...nên việc Bộ Xây dựng đưa ra quan điểm trên là rất đáng ủng hộ.
Nhưng có lẽ Bộ không nên chỉ "kêu" khó khăn với Chính phủ mà chủ động nên đề xuất tạm dừng hẳn dự án chứ không phải chỉ là vài câu giải thích với báo chí.
Một ví dụ khác, như Dân trí đã đưa tin ngày 10/9: UBND TPHCM vừa ra quyết định dừng hẳn, không làm dự án xe buýt nhanh (BRT) số 1 trên đại lộ Đông Tây. Lý do đình chỉ vĩnh viễn dự án có vốn đầu tư khá lớn này (137 triệu USD) đơn giản là "chưa phù hợp" trong thời điểm hiện nay, sau khi các cơ quan chuyên môn của TPHCM khảo sát các dự án đã và đang triển khai tương tự ở nhiều thành phố ngoài nước cũng như trong nước (Hà Nội). Thay vào đó, TPHCM dự kiến sẽ đầu tư vào dự án xe buýt chất lượng cao.
Tất nhiên, khi đã có quyết định đầu tư mà sau này bãi bỏ không thực hiện, nó cũng sẽ gây nên những sự lãng phí đáng kể do đã triển khai một số bước cho khâu chuẩn bị đầu tư như khảo sát, thiết kế, đào tạo nhân sự...Nhưng kể cả đã làm như vậy, song khi triển khai, những người đề ra chính sách, ra quyết định đầu tư thấy có những cơ sở, thông tin thực tế cho thấy, chủ trương đó là sai lầm mà có quyết định dừng lại, không làm nữa thì đó là sự dũng cảm. Bởi việc đó có thể khiến cho sai lầm không trở lên nghiêm trọng hơn, hạn chế nguy cơ gây ra những hậu quả lớn hơn.
Trước đó nữa, ai cũng đã thấy, việc Quốc hội, Chính phủ tạm dừng việc xúc tiến triển khai các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD nhưng đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của người dân, các chuyên gia kinh tế, khi đã thấy các dự án này cần phải có thời gian nghiên cứu thấu đáo hơn, lắng nghe phản biện nhiều hơn để có thể sau này đi tới quyết định chính xác nhất: Đầu tư hay không đầu tư.
Còn ngược lại, có không ít những "siêu" dự án có qui mô vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng như các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol của ngành dầu khí; dự án Đạm Ninh Bình, dự án Xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ...đã có nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ trước là có nguy cơ thua lỗ do không có thị trường, kém sức cạnh tranh, công nghệ lạc hậu.
Nhưng chính vì người ta không chịu nghe, cứ quyết làm, có thể do vì những lợi ích cá nhân cuối cùng dẫn đến các dự án này hiện nay đều nằm trong "top" các dự án thua lỗ, có nguy cơ phá sản của ngành Công Thương.
Giả dụ như c hủ đầu tư các dự án này, biết dừng lại khi thấy dự án có nguy cơ thua lỗ, phá sản, sớm chuyển đổi, đình chỉ thực hiện khi mới ở giai đoạn nghiên cứu thì hậu quả đến nay đã không lớn như vậy: Hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư có nguy cơ thất thoát, lãng phí. Và tiền đó tuy gọi là tiền vốn đầu tư từ ngân sách, nhưng thực chất là tiền thuế người dân đóng góp, là tiền vay của ngân hàng mà nếu không trả được, lại tạo lên một "núi" nợ xấu, hậu quả khôn lường.
Mạnh Quân