Phòng chống dịch rất tốt nhưng phòng chống tham nhũng lại chưa thấy ổn

(Dân trí) - Có một điều chắc giờ này ai cũng đã thấy: Chúng ta đang phòng, chống dịch Covid-19 quá tốt, nhưng việc phòng tham nhũng trong đợt mua thiết bị phòng chống dịch này lại có phần chưa ổn.

Phòng chống dịch rất tốt nhưng phòng chống tham nhũng lại chưa thấy ổn - 1

Nói Việt Nam phòng, chống dịch tốt thì tương đối rõ. Điều đó đã thể hiện hết ở các con số người mắc, người được chữa khỏi, so với nhiều nước, Việt Nam làm không chỉ nói là tốt mà là quá tốt. Báo chí nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế cũng đã công nhận. Thiết nghĩ cũng không cần phải nhắc ra đây làm gì nữa.

Nhưng ngược lại với điều đó thì các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam có vẻ như đang "phòng" căn bệnh tham nhũng trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch không được tốt chút nào.

Bằng chứng là vừa qua đã xảy ra vụ việc nâng khống giá trị thiết bị xét nghiệm tự  động  Realtime PCR của Đức để phát hiện virus SAR-Cov-2 tại  Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội). Chúng ta đều đã biết ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội và 6 người liên quan đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Tuy nhiên, căn bệnh "ăn không từ... dịch bệnh" này có dấu hiệu đã lan nhanh ra cả một số địa phương khác trước khi nó bị phát hiện. Hôm 25/4, như Dân trí đã đưa tin, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi một loạt các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc yêu cầu rà soát một loạt các hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm tự động Realtime PCR nói trên của một hãng sản xuất thiết bị y tế của Đức.

Đã có một số chứng cớ cho thấy, tại một số địa phương, cũng đã có dấu hiệu kê giá mua thiết bị trên cao hơn rất nhiều giá thị trường.

Các cơ quan thanh tra, điều tra rồi sẽ làm rõ và xử lý các vụ việc trên và những kẻ "ăn bẩn" liên quan. Nhưng phải chăng, ở đây có vấn đề, ngay từ đầu dịch bệnh này, vì quá quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chưa đồng thời chú ý đến phòng một "căn bệnh" cũng rất nguy hiểm: Đó chính là căn bệnh gian lận, tham nhũng.

Trong thực tế, bất chấp vấn đề đạo đức, những kẻ không liêm chính luôn tìm thấy cơ hội gian lận khi được tiến hành mua bán trang thiết bị y tế phòng dịch với số lượng lớn, trong thời gian gấp gáp.

Các chuyên gia phòng, chống tham nhũng cũng có kinh nghiệm rằng, số lượng hàng hóa mua quá lớn, trong thời gian ngắn sẽ càng tạo cơ hội

Chính vì đều này, ngay từ đầu tháng 4/2020, Hiệp hội các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thống kê lại những bài học gian lận trong quá trình chống dịch Ebola tại châu Phi, với đỉnh cao là Bộ trưởng Y tế CHDC Công-gô đi tù 5 năm, để nhắc nhở các cơ quan kiểm toán thành viên đảm bảo nghiệp vụ trong kỳ dịch COVID.

Một số bài học mà INTOSAI thống kê được từ dịch Ebola cũng rất đáng để các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam tham khảo.

Cụ thể như, trong lĩnh vực y tế, khi có dịch, rất dễ xảy ra các trường hợp sau:

Thứ nhất là: Đấu thầu sai quy định: chỉ định thầu giá cao, hoặc ký kết hợp đồng sơ sài, điều khoản bất lợi cho nhà nước.

Thứ hai: Mua quá nhiều vật tư y tế. Hàng tồn sau chống dịch có thể dùng khám chữa thương mại, kiếm lời cho cơ sở y tế. Hoặc khai tăng số vật tư cấp phát trong dịch để chiếm dụng cá nhân.

Thứ 3: Những kẻ tham nhũng sẽ tìm cách mua thừa nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, với ý đồ lợi dụng dịch để được đầu tư, kiếm lợi cho quá trình khám chữa thương mại sau này.

Bài học thứ 4 là: Trang thiết bị, vật tư y tế được các tổ chức tài trợ cho không nhưng lại được tính là đi mua đối với chính phủ.

Các bác sĩ vẫn hay nói: Phòng dịch hơn chống dịch. Nhưng trong lĩnh vực tham nhũng, chúng ta cũng có thể nói thế: Phòng tham nhũng tốt hơn chống tham nhũng. Để nó xảy ra rồi mới khắc phục thì bao giờ, cái đã mất đi, cái hậu quả đã xảy ra luôn cao hơn là phòng, ngăn chặn từ trước để nó không xẩy ra. Có phải thế không ạ?

Mạnh Quân