Lại thêm một kiểu “ăn” không còn nhân tính | Báo Dân trí

Lại thêm một kiểu “ăn” không còn nhân tính

(Dân trí) - Báo chí vừa cho hay, lại có thêm một đối tượng bị khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng vì tội “buôn bán hàng giả” trong đường dây làm giả, kinh doanh hàng nghìn bộ đồ phòng dịch ở Hà Nội...

Lại thêm một kiểu “ăn” không còn nhân tính - 1

Đây là bị can thứ tư bị khởi tố trong vụ án Công ty TNHH thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (Công ty Đức Anh) bị phát hiện làm giả, buôn bán hàng nghìn bộ trang phục y tế phòng dịch.

Điều đáng nói, bị can này (Hoàng Văn Tới) lại là nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội. Còn 3 bị can đã bị khởi tố trước đó đều là người của Đức Anh: Trương Thị Bình (Phó Giám đốc Công ty Đức Anh), La Văn Thi (Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh) và Nguyễn Đức Việt Anh (nhân viên Công ty Đức Anh).

Buôn gian bán lận, sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ hàng gian, hàng giả vốn dĩ vẫn tồn tại như một “khuyết tật” của thị trường. Tuy nhiên, việc một nhân viên bệnh viện tham gia vào hoạt động làm giả, buôn bán trang phục y tế phòng dịch ngay giữa cao điểm dịch Covid-19 cho thấy “hấp lực” khủng khiếp về lợi nhuận của “thị trường đen”.

Theo lời khai ban đầu của bị can Bình với cơ quan điều tra thì người này đã mua vào một khối lượng cực lớn trang phục phòng dịch không nhãn hiệu từ bị can Tới: tháng 1/2020 là 4.000 bộ, tháng 2 là 3.000 bộ và gần đây là 5.000 bộ.

Mỗi bộ trang phục như thế gồm quần áo, giày, găng tay, kính. Riêng 5.000 bộ trang phục sau này được mua rời nhưng các đối tượng đã đóng gói lại thành bộ và gắn dán mác giả mạo của Công ty Phúc Hà.

Điều gây băn khoăn là bị can Tới mua hàng nghìn bộ trang phục phòng dịch của “một đối tượng không quen biết trên mạng xã hội” để về bán lại. Vậy ngoài Công ty Đức Anh thì Tới có bán sản phẩm cho bên nào khác hay không?

Quy mô nguồn cung đồ phòng dịch “trôi nổi” này lớn đến mức nào và sẵn có đến đâu khi một cá nhân có thể dễ dàng đặt hàng trên mạng tới hàng nghìn đơn vị như vậy? Và vì sao chúng vẫn có thể tồn tại được?

Hơn nữa, những sản phẩm này cuối cùng sẽ được tiêu thụ ở đâu nếu không phải là tại các bệnh viện hay các đơn vị phòng chống dịch ở tuyến đầu, nơi có nhu cầu lớn nhất đối với trang phục bảo hộ?...

Đó thực sự là những câu hỏi nhức nhối cần được tìm hiểu thêm từ thương vụ “bẩn” này.

Sự việc này diễn ra song song với vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội… càng khiến người viết không khỏi rùng mình, ớn lạnh.

Đành là thật khó đòi hỏi liêm sỉ, đạo đức từ những quan chức tham nhũng và đội ngũ gian thương, nhưng vì việc “ăn chặn”, “ăn bớt”, “kiếm chác” này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rình rập, đe dọa hàng triệu con người, cả đất nước gồng mình lên chống dịch, nên những kẻ “ăn bẩn” này càng cần phải bị nghiêm trị. Phải lôi ra ánh sáng tất cả những kẻ có liên quan khác (nếu có).

Mua gian bán lận, trục lợi bất chính đã khó chấp nhận, đây còn là “ăn tạp, ăn bẩn”, kiếm lời trên sức khoẻ của các y bác sĩ, đe dọa an toàn sức khỏe của biết bao con người. Liệu có còn nhân tính nữa hay không?

Nếu coi “chống dịch như chống giặc”, thì những đối tượng này cũng là một kiểu “giặc” vô cùng nguy hiểm và phải bị xử lý mạnh tay!

Bích Diệp