Phiếu tín nhiệm và lòng dân
(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đề án quả thực rất hợp với lòng dân. Dân không muốn những người không có năng lực cứ ngồi mãi trên chiếc ghế “quan lại” hay để chỉ phục vụ các mục đích của cá nhân và nhóm lợi ích, vun vén cho gia đình, dòng họ của họ.
Từ trước đến nay, cán bộ giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là coi như yên vị. Cho dù người đó làm việc tốt hay không, hiệu quả hay không hiệu quả, thậm chí gây hậu quả xấu thì vẫn kéo dài chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ, thậm chí trúng tiếp nhiệm kỳ sau. Có những người giữ chức vụ quan trọng, nhưng tài ít đức mỏng, không hoàn thành trách nhiệm, nhưng không có cơ chế để bãi miễn.
Những tồn tại tiêu cực ở các ngành, địa phương trong nhiều năm qua cho thấy nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo yếu kém, người dân biết rõ điều đó nhưng phải chấp nhận các ông quan bất tài vô dụng. Cho nên, việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh không chỉ là sàng lọc chất lượng cán bộ, mà còn phát huy quyền dân chủ của người dân thông qua cơ quan đại diện của mình.
Mục đích của đề án rất tốt đẹp, nhưng cũng cần phải có những điều kiện khác mới thực hiện đạt hiệu quả. Điều kiện đầu tiên là không lấy phiếu một cách hình thức. Trên thực tế, có quá nhiều quy định tốt nhưng triển khai hình thức nên không đạt được mục đích đặt ra hoặc hướng tới. Một ví dụ điển hình, công tác bổ nhiệm cán bộ không phải là thực hiện theo quy trình chặt chẽ hay sao? Thế nhưng có không ít cán bộ bất tài vẫn leo cao, luồn sâu trong bộ máy nhà nước. Cho nên bỏ phiếu tín nhiệm thì người bỏ phiếu phải công tâm, bản lĩnh, trung thực thì lá phiếu mới có giá trị thực chất, còn xuê xoa cho qua hay phe cánh nâng đỡ nhau thì mục đích ban đầu của bỏ phiếu tín nhiệm sẽ bị méo mó. Vô ích.
Cử tri, người dân tin cậy vào người đại diện của mình. Vì vậy, những người đại diện cho dân đừng để dân chúng phải thất vọng. Người dân không có quyền bỏ phiếu tín nhiệm các cán bộ lãnh đạo, nhưng dân biết rất rõ ông nào liêm khiết, ông nào tham nhũng, ông nào vì dân vì nước, ông nào vì bản thân và gia đình. Không qua mặt được nhân dân đâu. Do đó, lá phiếu tín nhiệm phải thể hiện được lòng dân.
Thêm một điều tưởng cũng cần bàn tới, đó là từ việc bỏ phiếu tín nhiệm, nên cố xúy cho văn hóa từ chức ở trong chốn quan trường. Nếu như Đề án này được thực hiện, những ai có phiếu tín nhiệm thấp thì nên chủ động xin từ chức. Phải xem hành vi từ chức là hành vi văn hóa, thể hiện lòng tự trọng của con người. Tín nhiệm thấp, làm không được việc mà cứ khư khư bám lấy cái ghế để cho dân chúng khinh thường thì làm người bình thường còn chưa xứng đáng huống nữa làm quan to.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!