1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lấy phiếu tín nhiệm để thăm dò cán bộ trước khi bỏ phiếu

(Dân trí) - “Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp hay không. Đề án thiết kế theo hướng lấy phiếu thăm dò rồi mới bỏ phiếu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Hôm nay 14/9, UB Thường vụ QH thảo luận, cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất 2 phương án.

Phương án thứ nhất, người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tổng số lượng 49 người. Ở phạm vi HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.

Việc lấy phiếu tín nhiệm các đối tượng trên sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Hạn chế của phương án là chưa bao quát hết những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Phiên họp thứ 11 của UB Thường vụ QH.
Phiên họp thứ 11 của UB Thường vụ QH.

Phương án 2 được nêu trong Đề án là người được lấy phiếu tín nhiệm gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người. Tương tự, việc lấy phiếu đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh là khoảng 50 - 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 - 30 người, ở HĐND cấp xã là khoảng 5 - 7 người.

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật, ưu điểm của phương án này là thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH, HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, phương án này có một số hạn chế đáng kể, cụ thể là số lượng người cần được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm rất lớn, khó xác định tiêu chí để đánh giá, thể hiện tín nhiệm đối với một số chức danh nhất là những chức danh hoạt động theo chế độ tập thể, khó xác định trách nhiệm cá nhân. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ khó tránh khỏi hình thức, hiệu quả không cao.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND.

Đa số ý kiến các thành viên trong Ban chỉ đạo tán thành phương án thứ nhất đã nêu ra trong đề án.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của đại biểu QH, đại biểu HĐND đối với cán bộ. Còn bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Bỏ phiếu sẽ có quy trình chặt chẽ hơn, hậu quả nặng nề hơn. Đề án quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò rồi mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu mới bãi miễn cán bộ nếu cần thiết. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhất trí quan điểm lấy phiếu rồi phải công khai kết quả. Tuy nhiên, ông Giàu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm với tần suất 2 năm sau khi lãnh đạo nhận nhiệm vụ, bởi hiệu quả của công việc quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình, lập luận không nên năm nào cũng lấy phiếu. Lấy phiếu thường xuyên quá nhiều khi cũng làm cán bộ chùn tay, mất tính quyết đoán.

Về mức độ tín nhiệm, ông Hiển không đồng ý với đề xuất 3 mức độ: tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp. Theo ông Hiển, phiếu lấy ý kiến chỉ nên để ở 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Vấn đề quan trọng nhất là hệ quả pháp lý sau khi lấy tín nhiệm. Người đạt tỷ lệ tín nhiệm theo yêu cầu thì không sao, người không được tín nhiệm sẽ thế nào? Nếu vẫn tiếp tục nhiệm vụ thì phải báo cáo QH xin hứa, sửa chữa. Hoặc nếu thấy không đảm bảo được nhiệm vụ thì nên có văn hóa từ chức”, ông Hiển gợi ý.

Đề án lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiếp thu hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó mới chỉnh lý và trình QH thảo luận trong kỳ họp cuối năm nay.

P.Thảo