Phẫn nộ, xót xa nhưng hơn cả là nỗi day dứt, trăn trở…!

(Dân trí) - Đó là cảm giác sau khi xem đoạn clip quay lại cảnh một nữ sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị một nhóm bạn lao vào đánh hội đồng đến mức chấn thương dù đã khóc lóc, van xin…

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phẫn nộ đến uất nghẹn bởi không phải là vụ đánh nhau đơn thuần của những đứa trẻ hiếu động, thiếu kiềm chế, đã có những hành động bốc đồng, không làm chủ được bản thân trong một phút nóng giận trẻ con. Đây là cuộc đánh hội đồng của một nhóm học sinh khoảng 7 em, trong đó có một học sinh nam đối với một học sinh nữ.

Không chỉ dùng nắm đấm hay những cú đá, đạp… nhóm học sinh này còn lấy ghế nhựa ném và phang liên tiếp vào đầu nữ sinh này ngay trong lớp học. Một cách hành xử tàn bạo, không phải là của những người bạn trong cùng một trường, một lớp mà phảng phất như một trận đòn thù ở xã hội đen.

Thương cảm đến xót xa bởi hình ảnh của một em bé bị cả một đám bạn lao vào đánh đập, chỉ biết khóc lóc, van xin để rồi những ngày sau đó, không dám nói với nhà trường và gia đình vì sợ bị đánh tiếp.

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bà mẹ khi chị đã khóc ngất, không xem hết được đoạn clip chỉ dài có hơn 1 phút.

Càng xót xa hơn, cái lý do chỉ bởi em học sinh này không chịu đi mua bánh cho bạn lớp trưởng và “lại còn” không chịu đánh một bạn khác cũng vì lý do bạn này không chịu đi mua bánh cho lớp trưởng!?

Xót xa khi nghe lời kêu ai oán của bố học sinh này: “Hiệu trưởng, giáo viên ở đâu khi con tôi bị đánh dã man???”.

Song, có lẽ còn lớn hơn cả đau xót và thương cảm là nỗi day dứt bởi câu hỏi: Vì sao lại xảy ra điều tồi tệ này?

Gần đây, đã có quá nhiều những hình ảnh các em học sinh bị đánh hội đồng khi trong lớp, lúc trong trường và khi thì ngoài đường và đây chắc cũng không phải là lần cuối cùng.

Câu hỏi là vì sao lại có cái cách hành xử thậm chí phải nói là dã man như vậy ở các em, lứa tuổi thơ trong trắng? Trong khi ngay cả đối với những người phạm tội, Việt Nam vừa ký công ước chống tra tấn, nhục hình.

Nói cách khác, ngay ở chốn lao tù, những con người đã bị tước quyền công dân cũng yêu cầu không bị đối xử tàn bạo.

Lý do các em bị đánh nhiều khi hết sức vớ vẩn như không cho tiền bạn, không nghe lời bạn nhưng cũng có những lý do rất nghiêm trọng như “tranh cướp người yêu”.

Và hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng. Từ lột quần áo nhau ngoài đường, bị thương nghiêm trọng (trường hợp ở Trường THCS M.K (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hoặc cả dẫn đến tử vong như vụ đánh nhau tại Hải Dương hay ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk)…

Điều gì đã và đang xảy ra trên đất nước này khi mà tâm hồn trẻ thơ đã bị “vấy bẩn” như vậy?

Phải chăng đó là cách hành xử thiếu nhân văn, nhân bản của các bậc mẹ cha? Là sự thiếu giáo dục đạo đức và buông lỏng quản lý từ phía nhà trường? Là ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực và cả truyền thông, báo chí?...

Bé đã thế thì rồi mai đây lớn lên, các em sẽ hành xử giữa con người với con người như thế nào? Và những ngày họp lớp chẳng hạn, liệu các em có đủ can đảm xem lại những hình ảnh này?

Được biết, lãnh đạo nhà trường và cả vị Chủ tịch tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo “xử lý nghiêm” nhưng “xử lý nghiêm” mà làm gì khi sự đã rồi? Kỉ luật các em ư? Đuổi học các em ư?... Đó chỉ là những hành động bất lực của người lớn.

Một dân tộc có truyền thống nhân ái, nhân văn, “thương người như thể thương thân”, “Người với người sống để yêu nhau – Tố Hữu” rồi sẽ như thế nào? Đất nước rồi sẽ đi về đâu khi các em chính là chủ nhân nếu như ngay từ những năm tháng học trò, bạo lực học đường không được ngăn chặn một cách triệt để?

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!