Vấn nạn bạo lực học đường: Khi giáo dục nhân cách bị coi nhẹ

(Dân trí) - Liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường thời gian gần đây đã gây tâm lý lo ngại trong các phụ huynh và học sinh. Hãy lắng nghe phân tích của chuyên gia về vấn đề đáng lo ngại này.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội trả lời PV Dân trí về nguyên nhân, biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội

Gần đây trên mạng xuất hiện khá nhiều clip bạo lực học đường, điển hình là vụ học sinh cấp 2 ở Trà Vinh đánh bạn ngay trong lớp học. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, tiến sĩ nhìn nhận hiện tượng này ra sao?

Tôi cho rằng vấn đề này không mới. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều clip, hình ảnh trên mạng là do đây là thời điểm các bạn học sinh có phương tiện đăng lên mạng (điện thoại, máy ảnh, máy tính bảng…). Tôi cảm thấy rất lo ngại vì độ tuổi vị thành niên là độ tuổi tâm sinh lý bất ổn, các em dễ gây ra những hành vi vượt ngoài kiểm soát mà chưa ý thức được hậu quả.

Vụ việc vừa xảy ra ở Trà Vinh cùng với một số vụ bạo lực của học sinh nổi lên gần đây, dễ thấy rằng nhân vật chính đều là các nữ sinh và mức độ bạo lực không hề nhẹ. Tiến sĩ nhận xét ra sao về vấn đề này?

Thực ra không phải gần đây chỉ có các nữ sinh mới đánh nhau, các nam sinh vẫn xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới ẩu đả nhưng vốn không “xa lạ” cho nên các em ít quay phim chụp ảnh đưa lên mạng mà thôi.

Tâm lý các em vị thành niên cử xử rất bản năng. Hầu hết hành động bạo lực là bộc phát, những “hung khí” cũng là thuận tay chứ không phải là tính toán sâu xa.

Nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng đánh hội đồng (ảnh cắt từ clip).

Nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng đánh hội đồng (ảnh cắt từ clip).

Vậy theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân của bạo lực học đường?

Có rất nhiều nguyên nhân của vấn đề này, bắt nguồn từ môi trường sống của các em, như là gia đình, hàng xóm, phim ảnh bạo lực, bạn bè xấu… Các cuộc bạo lực có thể xảy ra trong trường học nhưng nguyên nhân không đến từ nhà trường bởi không trường học nào dạy học sinh đánh nhau.

Nghĩa là nhà trường không chịu trách nhiệm trong vấn đề bạo lực của học sinh?

Nói như vậy là không đúng. Giáo dục nhà trường cũng cần phải chú trọng hơn tới giáo dục đạo đức cho học sinh, tuy nhiên để hình thành nhân cách cho trẻ em và vị thành niên thì gia đình mới là nhân tố nòng cốt bởi các em học cách giao tiếp, hành vi, quan hệ xã hội… từ cha mẹ là chủ yếu. Thời gian các em ở bên gia đình lớn hơn rất nhiều thời gian ở trường học.

Vậy nhà trường làm gì để giáo dục nhân cách cho học sinh?

Bạo lực chính là một trong những hệ quả của việc suốt một thời gian dài chúng ta chỉ dạy kiến thức mà bỏ quên giáo dục hành vi, đạo đức. Ngày nay, các môn học phát triển nhân cách như: Đạo đức, Giáo dục công dân, bị học sinh coi nhẹ.
 
Chúng tôi đã có những khảo sát, nghiên cứu cho thấy học sinh coi môn học đạo đức là môn phụ, thậm chí các em cho rằng những kiến thức của môn học xa rời thực tế. Vì vậy, trước mắt để cải thiện tình trạng này cần phải đầu tư, cải cách các môn học về đạo đức, tâm lý cho phù hợp với xã hội ngày nay.

Còn giáo dục gia đình đóng vai trò ra sao?

Giáo dục gia đình và nhà trường có quan hệ mật thiết trong vấn đề này. Nhìn sâu xa thì vấn đề ở chỗ các phụ huynh can thiệp quá sâu vào hoạt động trong nhà trường, tạo sức ép cho thầy cô giáo khiến nhiều thầy cô không dám áp dụng biện pháp “mạnh” với trò. Học sinh thấy bố mẹ quyền lực quá nên không sợ giáo viên. Thực tế, có nhiều giáo viên đã khóc với mình vì học sinh hỗn, chửi mắng thẳng vào mặt thầy cô.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình không chú ý dạy con rằng không được làm phiền người khác, dẫn tới tâm lý trẻ luôn nghĩ rằng người ta phải nhường mình.
 
Tính cách này dễ thấy ngay từ việc xếp hàng nơi công cộng. Những vụ cãi vã trong gia đình, cách hành xử thiếu văn minh của người lớn cũng nêu gương xấu cho các em. Trẻ em giống như một tấm gương phản chiếu vậy.
 
Ngay đầu tháng 3/2015,

Ngay đầu tháng 3/2015, một clip đánh nhau của các học sinh bên ngoài trường học cũng được đăng tải gây xôn xao dư luận.

Vậy có biện pháp nào cho vấn đề giáo dục nhân cách ở gia đình đạt hiệu quả tốt hơn không?

Cho nên tôi nhận thấy rằng phải có những lớp học cho phụ huynh để giáo dục con cái tốt hơn, nhất là trong xã hội chuyển biến phức tạp và liên tục như hiện nay. Tôi và các đồng nghiệp cũng đã từng tổ chức gần 100 lớp tư vấn cho phụ huynh về cách dạy con, tâm lý trẻ em… Nhưng chúng tôi chỉ là thiểu số, cần phải có một mô hình rộng lớn hơn.

Những vụ bạo lực này không phải là đầu tiên, chính vì vậy mọi người cần nhìn nhận lại để quan tâm hơn tới việc giáo dục nhân cách, đạo đức và kĩ năng sống cho các em học sinh.

Cảm ơn tiến sĩ đã chia sẻ!

Mai Châm (thực hiện)