PGS Nguyễn Thị Huế không nên bao biện…!
(Dân trí) - Vụ biến tác phẩm “Đi đánh Thần Hạn” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa thành dân gian, không thể nói khác là nỗi xấu hổ của nền học thuật nước nhà. Đáng lẽ trước những sai lầm ngớ ngẩn trên, chủ biên và nhóm tác giả phải thành thật nhận lỗi tác giả và bạn đọc.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Trả lời trên báo Dân trí, ngay từ đầu PGS Nguyễn Thị Huế cho rằng sự việc “không có gì to tát cả”!?
Thưa PGS Huế, sự nhầm lẫn này là nghiêm trọng và to tát bởi cuốn sách của bà là Từ điển, dùng ngân sách Nhà nước cấp. Nó không chỉ là cơ sở khoa học lâu dài mà còn là cơ sở pháp lý một khi có tranh chấp bản quyền.
Nói “không có gì to tát” chứng tỏ bà đã không nhận thức được đúng bản chất sự việc.
Ý thứ hai, bà cho rằng việc sai đầu tiên là từ cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2005 và do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH&NV - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện”, bà chỉ là người lấy tư liệu từ đó.
Xin thưa, đây là hành xử bao biện, có tư tưởng đổ lỗi cho người khác.
Độc giả chúng tôi không biết và không cần biết bà lấy tư liệu từ nguồn nào hay lấy của ai. Điều mà chúng tôi yêu cầu là tác phẩm của bà phải chính xác, có độ tin cậy.
Ví như người đi mua hàng, chúng tôi không quan tâm bà nhập nguồn hàng của ai, từ đâu vì đó là việc của người bán hàng. Điều mà những người bỏ tiền ra mua hàng cần là hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn, không sai sót, độc hại…
Giả sử khi bị ngộ độc, người bán hàng phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ tại tôi mua của người này hay người khác.
Ngay cả việc bà khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng. Chúng tôi không vi phạm nguyên tắc biên soạn công trình theo nguyên tắc folklore học”.
Thưa bà, độc giả chúng tôi cũng không cần biết bà làm đúng nguyên tắc hay không đúng nguyên tắc vì đó là công việc chuyên môn của bà. Điều chúng tôi cần là một sản phẩm đúng.
Ngạc nhiên hơn là bà còn so sánh kinh phí dành cho công trình “không bằng số tiền bỏ ra làm 1 m2 đường?”.
Xin lỗi, không thể nói khác, đây là sự so sánh… vớ vẩn vì không ai bắt bà phải làm công việc này nếu bà thấy số tiền rẻ mạt. Và càng không vì tiền ít nên làm qua loa, làm dối, làm ẩu...
Thật tình chúng tôi rất cảm thông với những nhà khoa học nước nhà trong điều kiện khó khăn hiện nay và hoàn toàn thông cảm bởi “vua chúa còn có khi nhầm”.
Điều thất vọng của chúng tôi là cách hành xử trước những sai lầm của bà bởi khách quan, trung thực là phẩm chất hàng đầu của một nhà khoa học chân chính.
Giá như, bà biết thành khẩn xin lỗi Nhà thơ Trần Đăng Khoa và độc giả rồi tìm biện pháp khắc phục…
Tuy nhiên, do PGS Nguyễn Thị Huế không nhận thức đúng và chưa có tư tưởng thành khẩn khắc phục. Vì vậy, đề nghị cơ quan thanh tra văn hóa rà soát lại toàn bộ tác phẩm, yêu cầu nhóm biên soạn khắc phục hậu quả.
Trước mắt, cần thu hồi tác phẩm trên thị trường, xem xét lại hợp đồng kinh tế đồng thời yêu cầu giải trình sự việc trên.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!