Niềm tin vào “khúc khải hoàn ca” phía trước
(Dân trí) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tinh thần kiên trung, đoàn kết, tấm lòng “nồng nàn yêu nước” trong mỗi người dân sẽ tạo nên sức mạnh để đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, gian nan.
“Thấy hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ đang vất vả ngày đêm túc trực cho công tác phòng chống dịch bệnh nên tôi thương lắm. Tôi nghĩ có gì thì ủng hộ cái đó. Trong nhà còn nhiều gạo nên tôi bớt một ít để đưa đi ủng hộ”.
Bà Trần Thị Bình cười hồn hậu khi nói về việc đi bộ 2km ủng hộ gạo cho những người trong khu cách ly nghi nhiễm Covid-19 tại Hà Tĩnh.
Người phụ nữ 73 tuổi ấy suy nghĩ một cách rõ ràng, mạch lạc. Không hề “đao to búa lớn”. Vô cùng giản đơn. Đơn thuần, đó là trách nhiệm công dân, là tình cảm của một người dân với các chiến sĩ, bác sĩ ở tuyến đầu.
Trong tay túi gạo nhỏ, đầu đội nón lá, chân đi dép lê - hình ảnh chân chất của người mẹ miền quê dường như trở thành một biểu tượng quá đỗi thân quen trong những ngày cả nước chính thức bước vào “thời chiến”, một cuộc chiến vất vả, gian truân với “giặc” Covid-19.
Cũng ở địa phương này, Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh mới đây cho biết, vừa tiếp nhận 2 tấn gạo ủng hộ cho các khu vực cách ly. Số gạo trên do cụ bà Nguyễn Thị Tửu (101 tuổi) tự trích tiền tiết kiệm để mua tặng.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của cụ Nguyễn Thị Ba (trú tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà), là mẹ của liệt sĩ Trần Văn Việt đã hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1981. Sau khi nghe thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ Ba đã đi bộ gần 2km đến khu cách ly của xã để tặng 5kg gạo ủng hộ địa phương.
Hình ảnh cụ Ba lưng còng cố gắng xách túi gạo đi bộ suốt 2 cây số để trao tặng cho khu cách ly khiến ai nấy đều cảm động. Món quà của cụ tuy không lớn về vật chất nhưng mang ý nghĩa tinh thần vô cùng lớn lao, giúp những người ở tuyến đầu chống dịch thêm vững vàng.
Cụ Đỗ Thị Mơ, năm nay đã 84 tuổi, từng khiến bao người cảm phục khi đạp xe lên xã “đòi” thoát nghèo. Mới đây cũng không thể ngồi yên, lập tức lên UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đóng góp 2 triệu đồng trong tổng cộng 3,5 triệu đồng gom góp được từ tiền bán rau, bán trứng… của mình.
Tin từ Quảng Trị, cụ Lê Thị Sen, năm nay đã 100 tuổi, là vợ liệt sĩ, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn dành số tiền mình tiết kiệm được để đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bản thân cụ từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chồng cụ đã hy sinh trong kháng chiến. Và có thể nói, đây là cuộc chiến thứ ba mà cụ tham gia.
Ngạc nhiên không, họ là những người già, từ những miền quê nghèo, những người được cho là rủi ro nhất, dễ tổn thương nhất trong cơn đại dịch này. Nhưng, họ vẫn tham gia chống dịch với sự hăng hái, nhiệt tình, đáng để tất cả chúng ta nể trọng.
Dường như, trải qua bao thăng trầm lịch sử, tinh thần kiên trung, đoàn kết, tấm lòng “nồng nàn yêu nước” trong mỗi người dân vẫn vẹn nguyên như thế. Tinh thần đó, tin rằng sẽ tạo nên sức mạnh để đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, gian nan.
Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của nước ta, đến thời điểm này, “đặc biệt và trên hết” là nhờ có sự tham gia của nhân dân ta với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia, ông Vũ Đức Đam đã trân trọng cảm ơn nhân dân chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.
Trong những ngày cả nước “giãn cách xã hội” này, có lẽ cũng là thời gian để chúng ta lắng lại, thấy quanh mình còn rất nhiều bài học lớn lao ẩn chứa trong những con người bình thường, bình dị; để lạc quan hơn, đồng hành cùng tiền tuyến và có thêm niềm tin vào “khúc khải hoàn ca” phía trước.
Xin trân trọng tấm lòng của các bà, các cụ!
Bích Diệp