Những lực cản lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2022
(Dân trí) - Nếu chúng ta không thay đổi tư duy chống dịch của nhiều "quan xã, quan huyện, quan quận" thì đó sẽ là một trong những lực cản lớn nhất ngăn cản kinh tế Việt Nam hồi phục trong năm 2022.
Trung ương đánh trống xuôi, địa phương thổi kèn ngược
Ngày 19/1/2022 (tức 17/12 âm lịch), Chính phủ đã ra chỉ đạo các Tỉnh/Thành phố "không được đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết".
Nhưng có vẻ đã muộn mất rồi…
Vì từ 2 ngày trước nhiều tốp công nhân ở các khu công nghiệp, nhiều tốp thợ xây dựng, nội thất và một số nhân viên ở các doanh nghiệp thương mại đã bắt đầu về quê nghỉ tết và có lẽ tốp thợ cuối cùng sẽ rời các khu công nghiệp, các thành phố về quê ăn tết là ngày 21/1/2022 (tức 20 tết). Hầu hết các nhóm lao động này đều nghỉ tết 30 ngày, phải sau rằm (15/1 tết) họ mới quay lại thành phố và khu công nghiệp để bắt đầu làm việc.
Sở dĩ họ phải về sớm như vậy vì nhiều địa phương ra qui định phải cách ly 14 ngày hoặc có địa phương tiến bộ hơn thì cho cách ly 7 ngày. Tệ hại hơn có nhiều xã còn khóa trái cửa nhốt trong nhà những người dân mới về quê cho chắc ăn, bất chấp hành động nhốt người đó là vi hiến, trái pháp luật. Có địa phương còn dọa cách ly tập trung chứ không cách ly tại nhà. Quy định trái khoáy này của các địa phương đã buộc người lao động chỉ còn cách nghỉ tết sớm 2 tuần, bởi họ tính toán về quê cách ly xong còn kịp đi chơi tết.
Chưa hết, nhiều người Việt từ nước ngoài về Việt Nam đã hoàn thành việc cách ly tập trung theo qui định của Chính phủ khi về quê, một số địa phương lại bắt cách ly thêm 14 ngày nữa. Ngay Thủ đô Hà Nội bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi đã đạt trên 80%, tương đương với top các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới thế mà các nhà hàng đều bị cấm nhận khách ăn tại chỗ.
Chỉ khổ cho các ông chủ doanh nghiệp, các chủ công trình xây dựng, nội thất, các chủ nhà hàng thôi. Họ đã lao đao, kiệt quệ vì 3-4 tháng phong tỏa, dừng sản xuất kinh doanh, chưa kịp hoàn hồn thì lại bị cú đấm tết âm lịch nặng 30 ngày giáng xuống. Chưa hết họ vẫn còn phải lo tiền "thưởng tết" cho người lao động với sức ép "phải tương đương năm 2020" mà truyền thông suốt ngày ra rả đưa tin.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ gói giải cứu của chính phủ để vực dậy vượt qua suy thoái kinh tế, riêng tôi, tôi nghĩ có lẽ cái họ cần trước tiên là sự cảm thông, thấu hiểu, cảm thông từ Chính phủ, từ chính quyền địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước, cảm thông từ chính người lao động của mình, cảm thông từ giới truyền thông, đừng dồn tất cả gánh nặng, lo toan, đừng dồn tất cả khó khăn cho họ nữa.
Dịch COVID-19 còn kéo dài, chủng Omicron với tốc độ lây nhiễm cao hơn 3-4 lần rồi sẽ tràn vào nước ta, chắc chắn Việt Nam chúng ta sẽ trải qua một đợt bùng phát với số ca nhiễm mỗi ngày có thể lên đến dăm bẩy chục nghìn ca. Với tư duy chống dịch của một số địa phương như vậy, chả nhẽ lại lockdown, lại phong tỏa, lại dừng sản xuất kinh doanh thêm một lần nữa?
Rõ ràng chủ trương "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" của Chính phủ chưa ngấm, chưa được quán triệt đầy đủ xuống cấp tỉnh, cấp quận-huyện, đặc biệt là cấp xã. Chính phủ thì "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", địa phương thì vẫn đi đếm các ca nhiễm (không quan tâm đến nặng nhẹ, số ca bệnh nặng, số ca tử vong đang rất thấp), vẫn chạy theo cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, truy vết. Nói một cách ví von, nó chẳng khác nào việc trong khi Trung ương ra sức "đánh trống xuôi" thì địa phương lại cố tình "thổi kèn ngược".
"Phải cách chức các quan huyện tự ý ban hành quy định riêng"
Nếu chúng ta không thay đổi tư duy chống dịch của nhiều "quan xã, quan huyện, quan quận" thì đó sẽ là một trong những lực cản lớn nhất ngăn cản kinh tế Việt Nam hồi phục trong năm 2022.
Vậy phải thay đổi thế nào?
Đầu tiên là tính tuân thủ: Tất cả các địa phương, các tỉnh-thành phố, các quận-huyện, đặc biệt là các xã phải tuân thủ các qui định chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, không được ra thêm các qui định trái với qui định của trung ương. Tính tuân thủ, nhất quán chính là sức mạnh của một tổ chức, của một chính phủ, một quốc gia. Trong đại dịch này tính tuân thủ, nhất quán càng cần thiết hơn, càng quan trọng hơn bao giờ hết, cần bỏ ngay thói xấu tiểu nông "phép vua thua lệ làng" đã và đang tồn tại lâu nay.
Có lẽ Chính phủ cần làm mạnh tay hơn với các lãnh đạo địa phương không tuân thủ qui định chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế. Có lẽ phải có dăm bẩy "quan" bị kỷ luật, thậm chí bị cách chức vì ban hành các qui định riêng thì việc chống dịch mới nghiêm.
Thứ hai là việc chống dịch phải có tính hệ thống, với tư duy hệ thống. Phải hiểu rất rõ rằng cả xã hội là một hệ thống, cả quốc gia là một hệ thống thống nhất có mối tương quan mật thiết, có tác động tương hỗ lẫn nhau. Chống dịch không chỉ là vấn đề y tế, sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến kinh tế, xã hội; việc ùn tắc ở một địa phương không chỉ là ùn tắc ở địa phương đó mà còn tác động xấu dây chuyền đến các địa phương khác, đến các ngành kinh tế khác, thậm chí là cả các quốc gia khác.
Chỉ một qui định (hay khuyến cáo) của một số xã "người lao động về quê ăn tết phải cách ly 14 ngày" dẫn theo hàng chục nghìn doanh nghiệp trên cả nước bị nghỉ tết sớm 14 ngày hoặc chí ít là giảm sản lượng sản xuất, tiếp theo hiệu ứng lan truyền là không giữ được cam kết giao hàng với các đối tác (trong đó có cả các đơn hàng xuất khẩu), thế là uy tín của các doanh nghiệp bị giảm, thương hiệu quốc gia bị giảm, sức khỏe doanh nghiệp bị giảm, doanh số, lợi nhuận bị giảm, GDP quốc gia bị giảm, tất yếu là cuộc sống của người dân sẽ thêm khó khăn.
Việc người Trung Quốc nghỉ Tết sớm dẫn đến dừng thông quan hàng xuất khẩu ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai, hệ quả cuối cùng là bà con nông dân Nam Trung bộ và Nam Bộ gánh chịu là minh chứng rõ nhất về tính hệ thống, sự ảnh hưởng dây truyền do những quyết định cục bộ địa phương gây ra.
Thứ ba là tính logic. Qui định của Chính phủ, của Bộ Y tế không thể chi tiết, bao trùm hết các tình huống, thế nên các địa phương khi ra các quyết định bổ sung thì nó phải có logic, phải phù hợp với khoa học và thực tiễn.
Chẳng hạn, một số quận vùng cam ở Hà Nội ra quyết định đóng cửa các nhà hàng ăn uống tại chỗ, trong khi tính chất của đô thị là liên thông, quận không phải là ốc đảo, người dân vẫn đi lại tự do, các nhà hàng ở quận kế cận vẫn mở, người dân vẫn có thể sang ăn uống ở quận kế cận (thậm chí là bên kia đường thuộc quận kế cận). Vậy thì lệnh đóng cửa các nhà hàng chẳng có tác dụng ngăn ngừa sự lây lan của dịch.
Chẳng hạn nhiều xã, huyện bắt người lao động về quê phải cách ly 14 ngày vì sợ họ mang dịch bệnh về quê. Vậy thì người dân quê ốm đau đi lên tỉnh, lên Hà Nội khám chữa bệnh về thì sao, "quan xã, quan huyện" lên Tỉnh, lên Trung ương họp về thì sao? Có nguy cơ lây lan dịch bệnh không? Có phải cách ly không? Nếu tất cả phải cách ly thì lao động, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ thì ai chịu trách nhiệm?
Nói như vậy để thấy rằng làm lãnh đạo, dù là xã hay huyện thôi thì tính tuân thủ, tính hệ thống và tư duy logic là rất quan trọng.
Hãy đo các quyết định có tính hệ thống, tính logic, hãy đo tính tuân thủ các qui định của cấp trên cho các cán bộ các cấp và đấy chính là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Đỗ Cao Bảo
Đồng sáng lập - Ủy viên HĐQT FPT