Những kiêng kỵ ngày tết ở làng tôi
(Dân trí) - Tối ba mươi tết, sau khi mổ lợn, luộc bánh chưng xong, bao giờ mẹ tôi cũng đun một nồi nước thơm gồm lá bưởi, lá hương bài, rễ cây mùi già... để cả nhà tắm cho thơm tho. Sau đó, mẹ tôi dặn dò những điều phải kiêng cữ trong những ngày tết.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ở quê tôi, kiêng kỹ nhất là người xông nhà sáng mồng một tết. Đấy là những người mà gia đình hạnh phúc, khoẻ mạnh, không đau ốm hoặc nhà có tang gia gì. Được đặc biệt ưu ái là những người thành đạt về làm ăn hay có sự thăng quan tiến chức trong năm. Sau này, khi phong trào học hành phát triển, những cô cậu học giỏi cũng rất được tín nhiệm. Anh trai tôi là người đầu tiên học đại học của làng nên tối ba mươi, nhiều người mời anh sáng mồng một tết đến xông nhà. Ngược lại, những người không thành đạt hay nhà có tang thì không đến bất cứ nhà ai. Điều kiêng kỵ nữa là trong ba ngày tết không được quét nhà dù bẩn cũng phải chịu. Giải thích về chuyện kiêng cữ này rất khác nhau. Làng tôi thì cho rằng “của cào vào không có, có của đổ đi”. Vì vậy, nhà bẩn thì vẫn có thể quét nhưng không được đổ rác đi thôi. Thế nhưng có nơi lại giải thích quét nhà tức là có ý... đuổi tổ tiên đi. Do đó, dù nhà bẩn mấy cũng đành phải để. Lại có nơi giải thích rằng quét nhà ngày mồng một thì sinh ra kiến. Không biết lũ kiến vàng, kiến đen thì có liên quan gì đến việc quét nhà? Việc sắp cơm cúng cũng được kiêng khem cẩn thận. Những người đàn bà ngày “không sạch sẽ” thì không được mó vào bất cứ thức gì, dù là rửa rau hay sắp bát đũa. Vì vậy, không ít cô gái ma lanh muốn trốn việc cứ bịa lý do đó là xong. Các món cúng cũng được kiêng cữ rất kỹ. Đặc biệt là việc chay tịnh. Làng tôi có chuyện hai vợ chồng luôn cãi nhau. Tối ba mươi tết, vợ chồng bảo nhau thôi thì sáng mai mồng một, nhịn nhau một ngày. Khi rạng sáng, người chồng bảo vợ dậy nấu cơm cúng. Chị vợ nằm trong chăn ngại dậy nói vọng ra: “Cơm nguội hôm qua còn đấy”. Thế là anh chồng không nhịn được lại tẩn cho vợ một trận. Làng tôi bên bờ một con sông có tên là sông Diêm. Không hiểu sao cứ vào đêm giao thừa, ở cái vụng cuối làng bao giờ cũng rất nhiều cá chép lên đẻ trứng. Người đi xem cá đẻ rất đông nhưng vì kiêng kỵ, không ai có ý định đánh bắt cả. Sau này, có người bỏ tục lệ ấy cứ nhè đêm ba mươi mà chụp nơm, bủa lưới và điều kỳ lạ là cũng từ đó, lũ cá bỏ đi sạch. Sau này, chiếc vụng bị lấp làm nhà hết nên không còn dấu vết gì. Những ngày tết, người làng tôi rất kiêng cắt móng tay, móng chân, nhất là cắt tóc vì sợ “sái”. Có nhà còn kiêng cả việc chải đầu vì sợ... rắc rối cả năm. Việc vay mượn, xin xỏ, buôn bán cũng không diễn ra trong ba ngày tết. Tuy nhiên, lại có một phiên chợ bán đồ cũ mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần. Người ta đem đến chợ này đủ mọi thứ từ chổi cùn, rế rách, quần áo cũ. (Chỉ không thấy ai đem “vợ cũ” hay “chồng cũ” đi bán cả. Điều này chứng tỏ, vợ chồng không có chuyện cũ, mới). Vì vậy, vào ngày mồng 2 phiên chợ, các nhà buôn đồ cổ thường đổ về đây. Nghe nói dã không ít người mua được đồ gốm Minh – Thanh từ cái chợ bán đồ cũ này.
Ngày xưa, làng tôi có một Luật bất thành văn là trong tháng giêng, người ta rất kiêng chuyện “ấy”. Có lẽ do làng có Vũ hội tân xuân nên người làng đi lễ chùa nhiều mà kiêng chăng. Bây giờ thì chuyện kiêng khem không còn nữa. Bằng chứng là những đứa trẻ sinh vào tháng 9, tháng 10 âm lịch rất đông. Thậm chí còn nhiều hơn những tháng khác.
Bùi Hoàng Tám