Những công trình khoa học bỏ vào ngăn kéo

(Dân trí) - Câu chuyện sản xuất con ốc vít ở Việt Nam không phải chỉ là con ốc vít, mà khái quát cho một vấn đề lớn hơn, đó là trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ của một quốc gia.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phát biểu tại buổi thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nước ta gần như chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu của nó được thế giới biết đến; hầu như không có công bố quốc tế, mỗi năm chỉ có 1 – 2 sáng chế được đăng ký tại các quốc gia có uy tín.

Thảm quá, đất nước 90 triệu dân, giáo sư tiến sĩ rất nhiều, nhưng mỗi năm chỉ có 1 - 2 sáng chế được đăng ký thì giàu sao được. Thử hỏi ngược lại, vậy thì ngân sách chi cho khoa học công nghệ đi về đâu? Trả lời: một phần chi phí quản lý, một phần đầu tư cho các đề tài nghiên cứu. Hỏi thêm nữa, vậy thì các công trình nghiên cứu đi đâu? Trả lời: đa số nằm trong ngăn kéo.

Còn vì sao nằm trong ngăn kéo thì quá dễ hiểu, bởi vì các công trình đó không có giá trị áp dụng vào thực tế. Và đó cũng là lý do tại sao nước mình đông tiến sĩ nhưng không có sản phẩm công nghệ, và tại sao chúng ta phải nhập 90% máy móc công nghệ sử dụng trong các nhà máy.

Ngân sách chi cho khoa học công nghệ, được phân bổ về các cơ quan, trường, viện. Nó như một loại “bổng lộc” hơn là tiền đầu tư để nghiên cứu. Đề tài được duyệt, nhận tiền và làm. Có hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài đàng hoàng, nhưng sau đó số phận của đề tài ra sao thì cứ hỏi các ngăn kéo sẽ rõ.

Nói chi đến công bố quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho xa vời, ngay cả phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng không xong. Từ con ốc, đến khóa vặn ốc đều phải nhập, bởi vì sản phẩm trong nước không sử dụng được. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói về thương hiệu Việt được thế giới biết đến cũng là chuyện xa vời, hãy xây dựng thương hiệu sống được trong nước trước đã. Bao nhiêu năm nay, chưa có sản phẩm công nghệ nào thuyết phục được dân mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng dân mình sính ngoại, đụng cái gì cũng mua hàng nước ngoài, cho nên giết chết sản xuất trong nước. Nói như vậy cũng có phần đúng, nhưng không công bằng với đa số người tiêu dùng. Thử hỏi, chỉ những sản phẩm sử dụng trong nhà như quạt máy, máy lạnh, TV, bếp gas, tủ lạnh… có cái gì hàng Việt Nam không và nếu có vài ba món thì kém hàng nước ngoài quá xa về chất lượng, thẩm mỹ.

Rộng hơn một, nhìn ra đường, từ xe 2 bánh đến xe bốn bánh, không loại nào của Việt Nam. Ngay cả mục tiêu nội địa hóa một số linh kiện ô tô cũng chỉ là “khẩu hiệu”, bởi vì tỉ lệ nội địa hóa rất thấp.

Máy móc trong các doanh nghiệp, sản phẩm sử dụng trong gia đình, sản phẩm sử dụng bên ngoài như xe và máy móc các loại khác đều không có hàng Việt Nam. Đó là câu trả lời của việc đầu tư cho khoa học công nghệ. Nếu không có chiến lược cải cách đúng, thì tiền nhà nước chỉ bỏ ra để mua những thứ bỏ vào ngăn kéo.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!