Những chuyện "khác người"
(Dân trí) - Nhìn lại các chuyện trong xã hội ta, có quá nhiều những chuyện "khác người". Cũng có không ít người giải thích đó là "đặc thù" của Việt Nam. Vâng, có những "đặc thù" do lịch sử, hoàn cảnh tạo ra. Nhưng có những "đặc thù" chỉ là những chuyện đi ngược lại quy luật, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thế giới thì sẽ chậm tiến bộ, thậm chí ngày càng tụt hậu.
Cái "khác người" dễ thấy nhất ở ta là giao thông. Xe máy, quá nhiều xe máy. Theo thống kê của ngành giao thông, tính đến năm 2016 thôi, Việt Nam đã có 45 triệu xe máy, tức là trung bình cứ 2 người dân có một chiếc xe máy. Mỗi năm trung bình số xe máy mới được tiêu thụ là 3 triệu chiếc.
Ta có thể hiểu là cũng có rất nhiều người chưa hoặc không đi xe máy: Người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật.. thì để hiểu rằng hầu như ai đã trưởng thành đều sử dụng.
Chính vì thế, Việt Nam từ lâu vì thế đã là quốc gia đứng nhất, nhì thế giới về số lượng xe máy. Những người nước ngoài lần đầu sang Việt Nam, khi được hỏi: Ông, bà ấn tượng nhất điều gì, họ thường nói ngay: Quá trời xe máy. Người ta dễ thấy, những người nước ngoài cứ trố hết cả mắt ra chụp ảnh lia lịa đường phố Việt Nam đông đặc xe máy.
Bởi vì các nước ngày nay, đa phần họ có nhiều phương tiện công cộng để thay thế, có nhiều xe ô tô. Ngay cả Myanmar, một nước có nhiều mặt về kinh tế chưa bằng Việt Nam nhưng ở một số thành phố lớn như Yangoon đã cấm xe máy, trông đường phố về mặt nào đó, văn minh hơn Hà Nội, TPHCM.
Và ở ta thì ngay cả người dân vẫn hăng say tranh luận nên bỏ hay nên giữ và theo kế hoạch như của Hà Nội thì đến tận năm 2030, Thủ đô của ta mới cấm đi xe máy.
Cái "đặc thù" lớn thứ 2 của ta là nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước còn quá nhiều. Mặc dù đã "đẩy mạnh", "xúc tiến"... cổ phần hóa các kiểu nhưng đến nay, về giá trị, việc cổ phần hóa mới đạt khoảng 8% tổng giá trị vốn, tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước.
Ai cũng đánh giá cổ phần hóa là tốt vì rõ ràng sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp đều kinh doanh hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn. Chính phủ 3 năm trước đặt mục tiêu cổ phần hóa thêm trên 400 doanh nghiệp, nơi nào làm chậm thì sẽ kỷ luật, thay lãnh đạo. Nhưng cuối cùng, kế hoạch này cũng đổ bể và chưa thấy công bố ai bị kỷ luật.
Một nền kinh tế tràn lan kinh doanh độc quyền, quá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước còn nắm quyền chi phối ở những lĩnh vực không thiết yếu: gạo, xi măng, than, hóa chất... thì nó chèn ép, cản trở kinh tế tư nhân phát triển.
Thế giới từ hàng chục năm trước đại đa số đi theo con đường thị trường hóa, tư nhân hóa vì kinh tế tư nhân thực sự có hiệu quả, cạnh tranh. Ở ta, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước còn quá lớn như vậy thì thật khó có nền kinh tế thị trường, cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo nhà nước đã nhận ra điều này từ lâu và có nhiều văn bản cao nhất chỉ đạo thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đến nay, quá trình này, có thể nói vẫn quá ì ạch.
Hay như về chuyện sử dụng, bổ nhiệm nhân sự. Đa số các nước người có tài, có năng lực thì được trọng dụng cho nên mọi công việc mới được thực hiện tốt nhất. Ở ta, chỉ trong khoảng 2 năm qua, gần như ngày nào cũng thấy báo chí nêu ở tỉnh này, địa phương kia, cứ nhiều ông, cứ lên làm quan "to" là có chuyện bổ nhiệm toàn người nhà, bà con họ hàng vào bộ máy. Có người thì bổ nhiệm cả vợ vào làm cấp phó cho mình.
Cung cách quản lý, bổ nhiệm cán bộ như thế làm sao thế hệ trẻ chẳng "ngã lòng" không muốn cố gắng học hành, cống hiến vì nếu không nằm trong mấy cái "ệ": "Hậu duệ", "quan hệ"... thì chẳng thể tiến thân, dù anh có năng lực, tài giỏi đến mấy. Một xã hội mà những cái "ệ" lộng hành như thế, thì làm sao chẳng... trì trệ?.
Đó là chỉ mấy điều "khác người" dễ thấy nhất. Ở rất nhiều lĩnh vực của ta: Văn hóa, giáo dục, y tế... chỗ nào cũng có cái chẳng giống ai. Chúng ta có thể dễ dàng ra hiệu thuốc mua bất cứ thuốc gì dùng mà không cần bác sĩ kê đơn, kể cả... thuốc độc. Ta vào nhiều cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục, cơ quan hành chính... chữa bệnh, xin học cho con, làm "sổ đỏ"... hay thậm chí đi đường, luôn phải "lì xì" cho cán bộ công quyền thì việc mới trôi chảy.
Cứ bảo do "đặc thù" của Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử, do khách quan... thì bao giờ cho mới "giống người"?
Nếu "đặc thù", khác lạ mà đem lại điều tích cực, tốt đẹp thì nói làm gì. Nhưng khác người mà khác dở, đi ngược lại quy luật phát triển, tiến bộ của loài người, chỉ là kiểu nói bao biện, quẩn quanh thì biết bao giờ tiến bộ cho bằng người?
Mạnh Quân